Mở cửa phiên sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay tăng 22 USD một ounce, lên 1.942 USD một ounce - cao nhất kể từ ngày 20/9. Thị trường sau đó hạ nhiệt, hiện về quanh 1.935 USD.
Giá vàng hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị leo thang và rủi ro stagflation (lạm phát cao kèm tăng trưởng chậm), Kelvin Wong - nhà phân tích thị trường tại OANDA nhận xét. Từ khi xung đột Israel - Hamas diễn ra, giá kim loại quý đã tăng gần 100 USD một ounce.
Đêm 17/10, ít nhất 500 người đã thiệt mạng trong vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở miền trung Dải Gaza. Hamas và quân đội Israel đang đổ lỗi cho nhau gây ra thảm kịch.
Diễn biến này cũng khiến giá dầu thô thế giới hôm nay tăng vọt, do lo ngại nguồn cung trong khu vực gián đoạn. Dầu Brent hiện tăng 2% lên 91,6 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI tăng 2,2% lên 88,5 USD một thùng. Sáng nay, hai loại dầu này có thời điểm chạm 92 USD và 89 USD.
Các thị trường hiện lo ngại về việc Israel mở cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Gaza. "Giá Brent có thể lên trên 100 USD nếu xung đột Israel - Hamas lan rộng và Iran bị kéo vào cuộc", Vivek Dhar - nhà phân tích tại Commonwealth Bank of Australia cho biết.
Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là tồn kho dầu Mỹ giảm 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/10, theo Viện Dầu mỏ Mỹ (API). Mức giảm này mạnh hơn dự báo.
Về nhu cầu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong quý III. Các nhà máy lọc dầu của nước này đã hoạt động với công suất kỷ lục trong tháng 9. Nguyên nhân là nhu cầu nhiên liệu lên cao trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh nước này và hoạt động sản xuất cũng tăng tốc.
Doanh số bán lẻ của Mỹ cũng tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 9, làm dấy lên đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi thêm lần nữa cuối năm nay. Lãi suất cao có thể ghìm tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó làm giảm nhu cầu dầu. Mỹ và Trung Quốc hiện là hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Hà Thu (theo Kitco, Reuters)