Hôm nay là ngày đáo hạn đợt phát hành tín phiếu đầu tiên sau chuỗi phiên "hút tiền" được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ 21/9. Lượng trái phiếu đáo hạn hôm nay có quy mô 9.995 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu là 0,69% trên năm.
Liên tiếp từ ngày 21/9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đều đặn phát hành tín phiếu mỗi ngày, với kỳ hạn đều là 28 ngày. Tổng quy mô tín phiếu đang lưu hành sau đợt hút tiền về gần đây là hơn 255.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2014.
Hoạt động này, theo các chuyên gia, là cách cơ quan điều hành gián tiếp tác động lên tỷ giá - vốn diễn biến căng thẳng. Hút tiền qua kênh tín phiếu có thể giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lãi suất, còn được gọi là "carry trade" khi chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức cao.
Nếu Ngân hàng Nhà nước liên tục thực hiện chào thầu tín phiếu, nhà điều hành có thể tác động đến trạng thái thanh khoản ngắn hạn, qua đó gián tiếp kiểm soát lãi suất liên ngân hàng và chênh lệch lãi suất tiền đồng - USD trên thị trường này. Với kỳ hạn ngắn, động thái hút tiền từ các đợt phát hành tín phiếu sẽ chuyển thành bơm tiền khi đáo hạn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống tiếp tục dư thừa, chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD vẫn nới rộng như hiện nay, khả năng lượng tiền ròng sẽ vẫn ở trạng thái âm nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản dư thừa.
Trong ba phiên gần nhất từ đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 50.000 tỷ đồng tín phiếu, với lãi suất ở mức 1% trên năm.
Trong báo cáo đầu tuần, Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Reseach) cho rằng, sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ vào cuối quý, thanh khoản hệ thống đã quay về trạng thái dồi dào và khiến cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt nhanh chóng.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tới cuối tuần trước đã giảm về mức 0,35% và nới rộng chênh lệch với lãi suất USD lên -450 điểm cơ bản, tạo áp lực lên tỷ giá. Sau động thái hút bớt thanh khoản liên tục, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tới phiên 17/10 đã tăng lên 0,76%.
Minh Sơn