Nhà bán lẻ Việt có cơ hội tiếp cận hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khi bán hàng trên Amazon. Các thị trường tiềm năng gồm Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico), Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan và Thụy Điển).
Nhiều mặt hàng làm đẹp bán chạy trên Amazon
Chia sẻ tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới đang tổ chức tại TP.HCM vào hôm nay 19-10, ông Gijae Seong - giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam - hé lộ top 5 ngành hàng Việt bán chạy bậc nhất trên Amazon, gồm: nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp.
Như vậy, đây là năm đầu tiên mảng làm đẹp lọt top 5 ngành hàng được khách săn đón. Điểm thú vị là nhà bán hàng Việt thành công trong việc kinh doanh lông mi giả, móng tay giả, kem phục hồi da liền sẹo, bột trắng răng ngọc trai, serum dưỡng mi, serum kích mọc tóc... Các sản phẩm hoàn toàn sản xuất tại Việt Nam.
25 năm làm việc tại Amazon, lần đầu tiên ông Eric Broussard - phó chủ tịch Tập đoàn Amazon - tới Việt Nam. Ông cho biết trong một năm vừa qua, giá trị xuất khẩu trực tuyến hàng Việt qua sàn tăng tới 50%, với 17 triệu sản phẩm được bán ra cho các khách hàng trên khắp thế giới, lượng đối tác bán hàng Việt cũng tăng trên 40%.
"Việt Nam đang sở hữu những năng lực rất đáng kinh ngạc", phó chủ tịch Amazon chia sẻ, đồng thời khẳng định đây là thời điểm vàng để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nhận định Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới với năng lực sản xuất, cung ứng đa dạng sản phẩm, do đó phía sàn thương mại điện tử nhanh chóng nhập cuộc để hỗ trợ người Việt kinh doanh, thông qua các khâu: đăng ký, đăng tải sản phẩm, vận hành gian hàng, logistics, xây dựng thương hiệu, thanh toán.
Hiện có nhiều thương hiệu Việt phát triển kinh doanh cùng Amazon như: gốm sứ Minh Long, đồ gỗ BeeFurni, rong nho Trường Thọ, ống hút Equo làm từ cỏ, bút bi Thiên Long...
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp Việt để chinh phục thị trường quốc tế
Ông Gijae Seong cũng cho biết muốn phát triển bền vững, các nhà bán hàng cần phải nỗ lực học hỏi, cải tiến sản phẩm. Bởi có những mặt hàng bán rất chạy tại Việt Nam, nhưng chưa chắc cũng thành công ở thị trường khác như Mỹ, Canada...
Hiện tại có tới 90% nhà bán hàng Việt trên sàn là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, sàn đang nỗ lực đào tạo kiến thức, giúp đối tác hiểu được cách vận hành, cũng như nắm rõ thị hiếu khách hàng theo thời gian thực.
Ngoài ra, từ tháng 10-2023, lần đầu tiên sàn áp dụng chính sách 6 tháng duy trì tài khoản chỉ với 1 USD (khoảng 24.500 đồng), kéo dài đến đầu tháng 4-2024. Đây là điểm thuận lợi của đối tác Việt, trong khi nhiều thị trường khác trên thế giới phải trả phí khoảng 240 USD (hơn 5,8 triệu đồng).
Bà Lại Việt Anh - phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - chia sẻ thương mại điện tử đang phát triển vượt bậc tại các nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng trong top 3 ở khu vực, với quy mô ước đạt khoảng 20,5 tỉ USD vào năm 2023. Chưa kể, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta cao gấp khoảng 1,9 lần so với GDP. Kỳ vọng đến năm 2027 kim ngạch xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam đạt ngưỡng 300.000 tỉ đồng.
"Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh, nhưng dư địa còn lớn hơn thế", bà Việt Anh nhìn nhận.
Nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ có nhiều chính sách để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức và kỹ năng, mà còn được hỗ trợ tài chính. Điển hình như nghị định số 80/2021 đưa ra mức hỗ trợ 50% chi phí mở và duy trì gian hàng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kết hợp với nhiều đơn vị khác để giúp doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa ra toàn cầu.
Tôi là nhân viên hợp đồng của một công ty, lương dưới 100 triệu đồng/năm. Lấy lương làm vốn tôi bán hàng online trên sàn điện tử, thu nhập từ sàn cũng dưới 100 triệu đồng/năm. Tôi phải đóng thuế ra sao?