Tháng 10 này, cảng Manaus - trung tâm quan trọng cho các tàu lưu thông khắp lưu vực sông Amazon - ghi nhận mực nước thấp kỷ lục.
Cụ thể vào ngày 16-10, mực nước nhánh sông Negro - đang chiếm khoảng 10% diện tích lưu vực sông Amazon - tại cảng Manaus đo được chỉ còn 13,59m, thấp nhất từ khi dữ liệu lần đầu được ghi nhận từ năm 1902. Cùng kỳ năm trước, mực nước ở đây là 17,6m.
Chính quyền bang Amazonas - nơi có thành phố Manaus - thống kê tình trạng hạn hán đã tác động đến 481.000 người.
Cuối tháng 9-2023, 55 trong số 62 thành phố của bang Amazonas đã rơi vào tình trạng khẩn cấp do hạn hán nghiêm trọng.
Trung tâm cảnh báo thiên tai Brazil cũng cho biết năm nay, mực nước từ tháng 7 đến tháng 9 ở một số khu vực vùng Amazon thấp nhất kể từ năm 1980.
Các nhánh sông Amazon tại Manaus đang cạn khô đến mức báo động trong tháng 10 - Ảnh: REUTERS
Các nhà khoa học tại Brazil cho rằng đợt hạn hán này phần lớn bắt nguồn từ hiện tượng El Niño vốn đang gây ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu trong năm 2023.
Chuyên gia dự báo tình trạng hạn hán này sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 12 - thời điểm mà tác động của El Niño sẽ đạt đến cấp độ cao nhất.
Ông Philip Fearnside - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Amazonian Brazil - dự đoán tình hình hiện nay và trong tương lai sẽ trở nên tồi tệ hơn, với sự gia tăng về tần suất và mức độ của biến đổi khí hậu.
Theo ông, nhiệt độ nước bề mặt tại vùng xích đạo phía đông Thái Bình Dương hiện cao hơn so với giai đoạn El Niño năm 2015-2016. Bức tranh đang ngày càng lan rộng hơn khiến cả khu vực phía bắc của sông Amazon đang phải đối mặt với tình trạng khô hanh nghiêm trọng.
Liên tục đón nhận những cảnh báo hạn hán tương tự là sông Nile.
Dự báo của Liên Hiệp Quốc cảnh báo hạn hán gia tăng và lượng mưa thấp có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, gây nguy cơ mất đến 75% lượng nước của người dân trong khu vực. Dòng chảy của sông Nile đã giảm từ 3.000m3/s xuống còn 2.830m3/s trong 50 năm qua.
Ngoài hạn hán do biến đổi khí hậu, một nguyên nhân chính khác khiến sông Nile mất nước là do hồ Victoria - nguồn nước lớn nhất cung cấp nước cho sông - đang có nguy cơ bị "xóa sổ".
Mực nước của hồ bị tác động một phần do các chính sách sử dụng, quản lý nước thiếu bền vững của các quốc gia quanh hồ. Tuy nhiên nguyên nhân chính là lượng mưa thấp và tốc độ bốc hơi ngày càng cao trong khu vực.
Đoạn sông Nile qua Ai Cập giảm mực nước - Ảnh: REUTERS
Các chuyên gia ước tính viễn cảnh hồ cạn kiệt hoàn toàn trong 500 năm tới là hoàn toàn có thể xảy ra.
Kịch bản này hoàn toàn không có lợi cho sông Nile. Vì hàng triệu người phụ thuộc vào sông Nile trồng trọt, đánh bắt cá, nhiều quốc gia tận dụng sông để sản xuất điện, nên dòng chảy sông giảm sẽ là thảm họa.
Bên cạnh đó, mực nước biển cũng ngày càng dâng cao khiến nước mặn từ Địa Trung Hải ngày càng xâm lấn vào vùng nước sông Nile. Nước mặn tác động tiêu cực đến vùng đất trồng trọt dọc theo đồng bằng sông Nile, gây khó khăn cho nông nghiệp.
Hiện các nhà khoa học và nhiều nhà hoạt động đang nỗ lực giải cứu cá heo, đưa chúng ra nơi có nhiệt độ nước mát hơn.