Thực trạng người Việt sử dụng rất nhiều BBQ (các loại đồ nướng), nước ngọt, thức ăn nhanh... vừa được ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - nêu ra tại hội thảo giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức ngày 19-10.
Ông Khuê nói sau đại dịch COVID-19 nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên toàn thế giới đều tăng rất cao. Các nước đang đối diện với mô hình bệnh tật kép, ngoài các bệnh rất cũ như tay chân miệng, sốt xuất huyết, gần đây xuất hiện thêm các bệnh lây nhiễm mới nổi như COVID-19, đậu mùa khỉ…
Đặc biệt nhiều người đang phải đối diện với bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường. Bên cạnh vấn đề thiếu dinh dưỡng ở vùng sâu vùng xa thì ở các thành phố lớn đang đối diện với tình trạng thừa dinh dưỡng.
Ông Khuê nói: "Các giáo sư dinh dưỡng nước ngoài đến Việt Nam gặp chúng tôi tại nhiều hội nghị đã hoan nghênh việc suy dinh dưỡng từng bước được quan tâm, ngăn chặn, đẩy lùi. Tuy nhiên họ lại chia buồn khi người Việt sử dụng rất nhiều BBQ (các loại đồ nướng), nước ngọt, thức ăn nhanh" và kết quả có rất nhiều trẻ nhỏ béo phì.
Ngoài các vấn đề nêu trên, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề cần chăm sóc sức khỏe, bao gồm già hóa dân số, sức khỏe tâm thần, an toàn vệ sinh thực phẩm, biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, tai nạn giao thông…Theo ông, đây là các vấn đề thách thức rất lớn, đặc biệt đối với một thành phố lớn như TP.HCM và đang trong quá trình trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN.
Cần làm gì để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN? Ông Khuê đặt câu hỏi và khẳng định không chỉ là ghép tim, gan, thận, tế bào gốc… mà còn phải làm tốt các vấn đề nêu trên thì người nước ngoài, khách du lịch, nhà đầu tư mới đến và Việt kiều mới về nước.
Và để "giữ chân" người bệnh trong nước, theo ông, các bệnh viện cần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người có thu nhập cao, bởi một người có tiền không thể cứ bắt họ nằm trên giường bệnh bảo hiểm y tế. Cơ sở khám chữa bệnh cả công lập và tư nhân đều phải đáp ứng nếu người bệnh có nhu cầu này.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định việc hình thành trung tâm y tế chuyên sâu chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN là cốt lõi, mục tiêu trung tâm của TP.HCM. Để thực hiện mục tiêu này, ngành y tế đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó có phát triển du lịch y tế kết hợp y học hiện đại và thế mạnh về y học cổ truyền.
Ông dẫn chứng trong khu vực hiện có một số nước nổi bật về y tế du lịch như Thái Lan (3,5 triệu người), Singapore (1,5 triệu người), Malaysia (1,3 triệu người)… và khẳng định: "TP.HCM cũng là điểm đến của du lịch y tế. Y học cổ truyền là chuyên ngành rất hấp dẫn với du lịch y tế, bên cạnh các kỹ thuật chuyên sâu của y học hiện đại. Điều này chúng tôi đã và đang phấn đấu".
Nhiều em học 6 năm ra chưa biết tiêm bắp, tiêm ven...
Ông Lương Ngọc Khuê nói với cơ chế thị trường hiện có rất nhiều trường đào tạo y khoa ngoài công lập mọc lên, bên cạnh trường chất lượng rất tốt cũng có nơi dù tốt nghiệp nhưng chưa thể sờ vào người bệnh.
"Ngày xưa học xong còn được đỡ đẻ, còn biết mổ ruột thừa. Nhưng hiện nay nhiều em học sáu năm ra có khi chưa biết tiêm bắp, tiêm ven, tiêm tĩnh mạch, tiêm trong da thành thục như thế nào. Đó là chưa nói các phẫu thuật đơn giản, do đó năng lực thực tế rất hạn chế" - ông Khuê nói.
Đây cũng là một hạn chế khiến việc bằng cấp của một bác sĩ tốt nghiệp ra trường trong nước vẫn chưa được các nước ASEAN công nhận. Đặc biệt, do Việt Nam chưa có hội đồng y khoa xác nhận năng lực hành nghề của bác sĩ.
Ông nói: "Hội đồng này ở Mỹ đã có 100 năm nay, do đó Việt Nam rất cần thiết có một hội đồng y khoa". Và từ năm 2027, tất cả sinh viên y khoa tốt nghiệp ở các trường đại học đều phải được hội đồng y khoa quốc gia đánh giá năng lực.
Số học sinh béo phì chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các vấn đề về sức khỏe của học sinh TP.HCM.