Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Xuân Hiếu, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho biết: "Theo phân cấp quản lý, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chuyển thông tin phản ánh những trường hợp thực hiện công bố quốc tế ở các trường đại học có dấu hiệu vi phạm liêm chính khoa học tới đơn vị trực thuộc bộ có giảng viên được nêu tên để xác minh, trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp để chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền".
Công bố khoa học quốc tế tăng chậm lại
Theo kết quả tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, trong giai đoạn 2018 - 2022 Việt Nam có 76.672 công bố, trong đó kể từ năm 2020 đến nay số lượng công bố hằng năm đều đạt trên 18.000 bài.
Trong khi cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ, tổng hợp từ 236 tạp chí trong tổng số 334 tạp chí khoa học trong nước cho thấy năm 2022 đã có 15.075 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước.
Đáng chú ý, tuy số lượng công bố khoa học trong nước tăng mạnh trong ba năm gần đây nhưng công bố khoa học quốc tế đang tăng chậm lại.
Lý giải điều này, ông Trịnh Xuân Hiếu cho rằng để có đánh giá đầy đủ, chính xác, toàn diện cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo ông Hiếu, trước mắt có thể nêu vài lý do như sau: trong các năm trước đây, khi hoạt động công bố quốc tế còn ít được quan tâm thì dư địa để tăng trưởng còn lớn.
Trong các năm gần đây, khi việc này đã được tất cả các cơ sở giáo dục đại học quan tâm đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng công bố thì việc số lượng công bố quốc tế tăng chậm lại là hợp lý, phù hợp với năng lực nghiên cứu của toàn hệ thống.
Giai đoạn ba năm vừa qua, công việc nghiên cứu khoa học cũng như mọi mặt đời sống xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn kinh phí tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau cho hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung đều bị cắt giảm.
Không ủng hộ tăng không thực chất
Trước ý kiến cho rằng chính việc "đếm bài báo thưởng tiền" hiện nay đang làm méo mó, nảy sinh tiêu cực trong công bố quốc tế, ông Trịnh Xuân Hiếu cho biết: "Việc khuyến khích các nhà giáo thực hiện nghiên cứu khoa học và công bố kết quả trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín là cần thiết.
Các công bố quốc tế này thể hiện sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong việc phát triển nền tri thức của nhân loại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và qua đó cải thiện vị trí xếp hạng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo không ủng hộ việc gia tăng công bố quốc tế không đúng thực chất, không giúp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học, như công bố trên các tạp chí săn mồi có chất lượng phản biện thấp; tác giả công bố không tham gia hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại trường".
Ông Hiếu cho biết hiện nay các cơ sở giáo dục đại học có tính tự chủ cao theo Luật Giáo dục đại học nên việc thưởng tiền cho các giảng viên có công bố quốc tế do các trường chủ động xem xét, quyết định.
Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ hằng năm, Bộ Giáo dục - Đào tạo luôn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các đơn vị trực thuộc bộ nâng cao yêu cầu chất lượng công bố khoa học, đảm bảo liêm chính khoa học.
"Nhận thức về đạo đức khoa học và liêm chính học thuật được các cơ sở giáo dục đại học tăng cường quán triệt, chấn chỉnh.
Đặc biệt, sau khi Hội đồng giáo sư nhà nước đẩy mạnh việc rà soát các công bố quốc tế đối với các ứng viên, từ đó các ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư không còn động lực để chạy theo việc thực hiện công bố quốc tế không chất lượng", ông Trịnh Xuân Hiếu nói.
Chưa phát hiện vi phạm với bài báo được thưởng
Cũng theo ông Hiếu, trong những năm gần đây (trước khi nghị định số 109/2022/NĐ-CP có hiệu lực), Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện thưởng tiền ở mức khiêm tốn cho các công bố quốc tế có trên danh mục WoS do các nhà giáo công tác tại các đơn vị trực thuộc bộ là tác giả theo quy định tại nghị định 99/2014/NĐ-CP nhằm tạo động lực, khuyến khích các nhà giáo đẩy mạnh hơn nữa việc công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
"Trước khi thực hiện khen thưởng, Bộ Giáo dục - Đào tạo đều rà soát các đề xuất khen thưởng nhận được từ các đơn vị trực thuộc bộ và đến nay chưa phát hiện hiện tượng tiêu cực, vi phạm liêm chính học thuật đối với các bài báo đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo thưởng", ông Hiếu cho biết thêm.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã và sẽ tiếp tục nhắc nhở lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học sớm ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật của đơn vị mình, đồng thời nghiêm túc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này cùng các nhiệm vụ khác được quy định tại nghị định 109/2022/NĐ-CP để đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Đang xây dựng quy định về khen thưởng
Hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang xây dựng quy định của bộ về khen thưởng cho các công bố khoa học có giá trị của các đơn vị trực thuộc bộ theo quy định tại nghị định 109 để thực hiện từ năm 2024.
Diễn đàn "Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?"
Loạt bài "Gian dối trong công bố bài báo quốc tế" của ứng viên giáo sư, phó giáo sư trên báo Tuổi Trẻ thu hút sự quan tâm, bàn luận của bạn đọc.
Mong muốn nhận thêm ý kiến, gợi mở giải pháp xung quanh việc xét duyệt giáo sư, phó giáo sư, báo Tuổi Trẻ mở Diễn đàn "Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?". Bài tham gia diễn đàn gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn.
Nhiều chuyên gia cho rằng những quy định công nhận chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập, đồng thời đề nghị giao quyền cho các trường đại học làm việc này.