Đầu dây giọng nam, giới thiệu tên là Khoa: "Em và ba vừa tìm trong điện thoại cũ của mẹ thấy số anh nên gọi về. Mẹ em là cô Nguyễn Mỹ Hạnh, người từng kết hợp với anh trao học bổng trước đây. Mẹ em mất mấy năm rồi. Em và ba tìm mãi, mới nhớ cái điện thoại cũ của mẹ, tìm được số anh".
Quỹ học bổng Nguyễn Mỹ Hạnh đồng hành với chương trình học bổng Tiếp sức đến trường kể từ đó.
Gần 20 năm trước, cũng sự bất ngờ tương tự, tôi nhận được điện thoại của cô Nguyễn Mỹ Hạnh. Đọc báo về các bạn thí sinh đậu đại học, có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ không được đến trường mà tôi viết, cô điện đến báo Tuổi Trẻ và liên hệ ngay với tôi.
Cô giới thiệu mình ở TP.HCM, cùng người bạn mở xưởng may nho nhỏ, lấy lợi nhuận để làm từ thiện. Cô muốn hỗ trợ cho các bạn khó khăn mà tôi viết ấy trong suốt khóa học.
Riêng các bạn học ở TP.HCM, cô nhờ lấy địa chỉ để tự liên lạc, hỗ trợ trực tiếp... Kể từ đó, cùng với việc hỗ trợ cho các bạn "cũ", năm nào cô Nguyễn Mỹ Hạnh cũng đề nghị tôi giới thiệu thêm một vài tân sinh viên, rồi trực tiếp liên lạc, hỗ trợ.
Đã có hàng chục sinh viên nghèo xứ Huế được cô âm thầm tiếp sức học phí, chỗ ở và nhiều thứ khác nữa. Bẵng đi một thời gian tôi không còn nhận được điện thoại của cô.
Tôi cũng thật vô tình vì công việc cứ cuốn trôi đi. Nào ngờ, thời gian đó cô sang Mỹ, bị bệnh và qua đời trên đất khách... Nhớ đến việc làm của mẹ, anh Khoa cùng người cha tìm cách nối tiếp công việc thầm lặng nặng ân tình.
"Quỹ học bổng Nguyễn Mỹ Hạnh" do anh Khoa, người con trai tài trợ ra đời. Năm đầu tiên, học bổng cùng đồng hành với chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ trao cho 5 bạn tân sinh viên rất khó khăn của Huế.
Anh còn nhắn nhủ: "Nếu những bạn sinh viên này giữ thành tích học tập tốt, em sẽ tiếp tục ủng hộ liên tục trong 4 năm, như mẹ em đã làm trước đây!".
Thế là mỗi năm, ngoài việc trao cho các bạn đang theo học, quỹ còn trao thêm cho một số tân sinh viên. Cho đến nay, quỹ đã đồng hành, tiếp sức đến trường với hơn 40 bạn.
Cũng có trường hợp đáng tiếc, một bạn học ở Huế, "đứt gánh nửa chừng" vì hoàn cảnh riêng. Hay một bạn theo học ở TP.HCM cũng vì hoàn cảnh riêng phải tạm nghỉ học.
Thật may bạn đã tìm cách xin bảo lưu và thật mừng vì bạn ấy vừa quay trở lại giảng đường. Vui hơn cả là một bạn dân vạn đò ở phá Tam Giang, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ Huế với tấm bằng "đỏ", tiếp tục có được học bổng và đang chờ lên đường du học ở Nhật.
Năm nay, Quỹ học bổng Nguyễn Mỹ Hạnh tiếp tục trao cho 11 bạn sinh viên năm 2 cho đến năm 6 (10 triệu đồng/suất) và 1 bạn tân sinh viên (15 triệu đồng). Qua chia sẻ, các bạn sinh viên rất vui mừng khi nhận được khoản tiền hết sức có ý nghĩa, kịp thời hỗ trợ cho học tập và cuộc sống.
Tình cảm, tấm lòng sẻ chia của người mẹ đã được người con trai nối truyền, thực hiện một cách tự nhiên, thuần thành. Tôi tin đâu đó ở trên trời chắc người mẹ đang vui.
10 năm trước, cô học trò nghèo Lê Thị Kim Phượng đành nghỉ học lớp 7 giữa chừng để sớm lao vào đời làm thợ may phụ giúp gia đình.