Clip: "Thủ phủ" hồng xứ Nghệ mất mùa |
Huyện Nam Đàn được xem là vựa hồng lớn nhất ở Nghệ An, diện tích và sản lượng cao tập trung tại các xã Nam Anh, Nam Thanh, Nam Xuân... Trong đó, xã Nam Anh được xem là “thủ phủ” hồng của Nghệ An, với diện tích gần 200ha. Nhiều cây hồng ở xã Nam Anh đã có tuổi đời trên 100 năm, được trồng quanh dưới chân núi Đại Huệ.
Thời điểm này, hồng đang vào chính vụ thu hoạch, song “thủ phủ” hồng xứ Nghệ không tấp nập cảnh thương lái đến thu mua như những năm trước. Bà Bùi Thị Thanh (62 tuổi, trú xóm 7, xã Nam Anh) cho biết, gia đình bà trồng 60 gốc hồng. Nếu như năm ngoái vườn hồng cho thu hoạch hơn 2 tấn quả, thì năm nay giảm chỉ còn khoảng 1 tấn.
Hồng mất mùa, chỉ bằng 1/3 so với năm 2022 song người trồng hồng ở Nam Anh vẫn vui vì được giá |
“Năm ngoái quả vàng cả cây nhưng năm nay ít lắm. Thu hoạch hết chắc cũng chỉ bằng khoảng một nửa năm ngoái thôi. Nhưng cũng may năm nay hồng được giá, tính ra cũng không thất thu lắm” - bà Thanh nói và cho biết, hiện giá hồng trứng được thương lái thu mua từ 25.000-27.000 đồng/kg, hồng ghép được thu mua với giá 15.000-20.000 đồng/kg.
Hồng được xem là một trong những cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Nam Anh. Theo người dân địa phương, phần lớn các gia đình ở xã này đều trồng hồng, người ít thì vài cây, người nhiều 1,5-2ha. Hồng ở xã Nam Anh có nhiều loại, nhưng chủ yếu là hồng trứng, hồng cậy.
Anh Trần Văn Hòa (trú xóm 6, xã Nam Anh) cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi. Đầu năm mưa xuân nhiều hơn khiến cây khi ra hoa bị rụng, từ tháng 4 đến tháng 8 thời tiết lại khô hạn đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây hồng. “Thực tế cây hồng là vậy, thường thì năm nay được mùa thì năm sau nó lại mất mùa. Hơn nữa, nhiều gia đình để hồng quá lâu, không thu hoạch để phục vụ du khách đến chụp ảnh nên năm sau quả ra ít hơn” - anh Hòa nói.
Chị Nguyễn Thị Sâm (một thương lái thu mua hồng ở xã Nam Anh) cho biết, mùa thu hoạch hồng thường bắt đầu từ tháng 7 đến giữa tháng 10 âm lịch. Trung bình, mỗi ngày chị thu mua hơn 2 tấn hồng các loại. “Sau khi mua về, quả hồng sẽ được phân loại, đem ủ hoặc ngâm với nước giếng khoang trong 5 ngày rồi mới được bán ra thị trường” - chị Sâm nói.
Theo chị Sâm, hồng ở Nam Anh có vỏ mỏng, nhiều cát và ngọt nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hồng mất mùa không chỉ người trồng thất thu mà những người làm dịch vụ khác như thu hái, ngâm, phân loại, vận chuyển hồng… cũng bị ảnh hưởng theo.
Hồng ở Nam Anh có nhiều loại, nhưng chủ yếu là hồng trứng và hồng cậy |
Ông Hồ Viết Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh - cho biết, toàn xã có gần 200ha diện tích trồng hồng, trong đó 150ha đang ở kỳ thu hoạch, còn lại là diện tích cây trồng mới. Năm nay, sản lượng hồng toàn xã ước tính chỉ đạt khoảng 100 tấn, giảm gần 1/3 so với năm 2022.
Hồng mất mùa nhưng lại được giá. Hiện hồng đang được thương lái thu mua với giá từ 15.000-40.000 đồng/kg tùy loại. Cao hơn so với năm ngoái 4.000-5.000 đồng/kg. “Cây hồng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nay đầu năm mưa nhiều, cây ra hoa nhiều nhưng sau đó rụng hầu hết. Hơn nữa, cây hồng còn bị ruồi vàng tấn công khiến quả rụng nhiều” - ông Hoa nói.
Xã Nam Anh được xem là "thủ phủ" hồng của Nghệ An với diện tích trồng hồng gần 200ha |
Chị Sâm (bên phải) cho biết, mỗi ngày cơ sở của chị thu mua hơn 2 tấn hồng các loại |
Hồng sau khi thu mua được phân loại trước khi đem ủ |
Để hồng được ngọt hơn, người dân ở Nam Anh thường ủ hoặc ngâm hồng bằng nước giếng khoan trong 5 ngày |
Những quả hồng sau khi được ủ chín được đóng gói cẩn thận để vận chuyển đến nơi tiêu thụ |
Phan Ngọc
Xem thêm: lmth.5373051a-aig-coud-iv-iuv-nav-nad-gnon-aum-tam-ehgn-ux-gnoh-auv/nv.moc.enilnounuhp.www