Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5. Dự thảo này sẽ được lấy ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Thực tế cho thấy, một số điều kiện được mua nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở 2014 đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần được thay đổi. Hiện có 3 tiêu chí để xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội là cư trú, thu nhập và diện tích nhà ở.
Để tạo điều kiện thuận lợi, giúp người lao động dễ tiếp cận với nhà ở xã hội hơn, trong dự thảo Luật Nhà ở lần này, Ban soạn thảo đã đề xuất nới nhiều tiêu chí như xác định cư trú và cả tiêu chí thu nhập để bớt các thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở hiện hành quy định người trong diện được mua nhà ở xã hội phải có đủ 3 tiêu chí:
- Tiêu chí cư trú - nghĩa là người dân phải có hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại nơi có dự án nhà ở xã hội. Tiêu chí này hiện đã được loại bỏ, bởi đã là công dân Việt Nam, được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở.
- Về thu nhập, ở luật cũ, người được mua nhà ở xã hội phải có thu nhập ở dưới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nghĩa là dưới 11 triệu đồng/tháng. Nếu thu nhập cao hơn mức này thì hồ sơ sẽ bị loại. Thực tế chứng minh tiêu chí này không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, bởi nếu ở mức thu nhập này, người lao động không thể đáp ứng được nhu cầu cho vay của ngân hàng khi vừa phải trang trải tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hàng tháng, lại vừa phải trả nợ tiền gốc, tiền lãi vay ngân hàng. Đây cũng là điều kiện gây ra nhiều rắc rối nhất, gây bức xúc nhất khi người dân phải hoàn thành rất nhiều giấy tờ thủ tục hành chính. Dự thảo luật hiện đã được sửa đổi, nâng lên 15 triệu đồng/tháng.
- Về diện tích nhà ở bình quân, Luật cũ yêu cầu người chưa sở hữu nhà ở, hoặc có nhưng diện tích dưới 10 m2/người. Tuy nhiên tới đây, tiêu chí này sẽ do Chính phủ xem xét nâng lên 15 m2/người, tùy theo tình hình và thời kỳ cụ thể.
Tại Hà Nội, trong 5 năm qua, giá nhà ở xã hội đã tăng khá mạnh, từ mức phổ biến từ 12 -14 triệu đồng/m2, nay tăng lên trên 20 triệu đồng/m2. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Kỳ vọng của người mua nhà vào những đề xuất sửa đổi
Theo ghi nhận, việc loại bỏ và nới các tiêu chí cư trú và thu nhập, giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội… đã tác động khá tích cực tới những người trong diện được mua nhà ở xã hội. Nhiều người kỳ vọng đặt nhiều tâm tư vào việc làm sao Luật Nhà ở (sửa đổi) phải vừa tạo sự thông thoáng, đơn giản khi thực hiện các thủ tục hành chính, nhưng cũng phải có sự công bằng, tránh những tiêu cực trong khâu xét duyệt hồ sơ.
Bám trụ lại Hà Nội làm việc hơn 10 năm, thu nhập ở mức 15 triệu đồng/tháng, là người đủ các điều kiện để mua nhà ở xã hội, nên anh Thắng đặc biệt quan tâm tới thông tin về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ bỏ bớt tiêu chí cư trú và thu nhập. Bởi 2 tiêu chí này từng khiến anh và nhiều người bỏ cuộc vì phải làm khá nhiều thủ tục phiền hà, gây khó khi vay vốn và chứng minh nơi cư trú.
"Thủ tục vay vốn rất là lâu, làm hồ sơ mất thời gian, như chúng em đi xếp hàng hàng ngày hàng đêm rất là lâu và thủ tục rất rườm rà, mong nhà nước sẽ tạo điều kiện cho thủ tục rút ngắn, rút gọn đi để chúng em tiếp cận nó dễ dàng hơn", anh Bùi Bá Thắng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, cho biết.
Doanh nghiệp anh Thắng làm việc có tới gần 10.000 lao động trên cả nước. Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có tới 5.000 người có nhu cầu về nhà ở xã hội.
"Nhu cầu của chúng tôi cần rất cao, nhưng không tiếp cận được. Chúng tôi đã đang liên hệ với các công ty bất động sản để kết nối, ví dụ như Công ty Phúc Đạt trong TP Hồ Chí Minh để đàm phán về giá cho họ. Thì phải nói là người lao động không thể tiếp cận được. Vấn đề là làm sao phải ở ngưỡng 16 - 17 - 20 triệu đồng", ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Điều hành Công ty Mai Linh Miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho hay.
"Em thấy nhiều người đi ô tô đã có nhà ở rồi, họ vẫn mua đi, bán chênh lại với giá rất cao. Người ta có 1 cái nhà vẫn muốn 2 cái và nhiều người vẫn muốn mua đi bán lại, nên tự nhiên cơ hội để mua nhà và sở hữu nhà ở xã hội của chúng em là rất khó", anh Bùi Bá Thắng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, cho biết thêm.
"Bây giờ mặt bằng chung từ 15 - 20 triệu, nhưng Luật trước thì không mua được. Làm sao sửa đổi để lương 15 - 20 triệu, thậm chí 25 triệu có thể mua được, bởi vì bây giờ mặt bằng chung 25 triệu để mua được chung cư hay nhà ở cũng khó", anh Trần Trọng Lư, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chia sẻ.
Dự báo tác động khi hiệu lực luật mới - cũ đan xen
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, trong 5 năm qua, giá nhà ở xã hội đã tăng khá mạnh, từ mức phổ biến từ 12 -14 triệu đồng/m2, nay tăng lên trên 20 triệu đồng/m2. Trong khi các quy định về mức thu nhập và một số điều kiện khác vẫn giữ nguyên. Rõ ràng, giá nhà ở sau vài năm đã tăng nhanh, nhưng điều kiện mua nhà ở xã hội, tiêu biểu nhất là tiêu chí về thu nhập, vẫn được nhiều địa phương, doanh nghiệp giữ nguyên là một sự bất hợp lý lớn.
Trong kỳ họp Quốc hội lần này, dự kiến có tới 3 Dự thảo Luật là Đất đai (sửa đổi), Nhà ở (sửa đổi) và Kinh doanh bất động sản sẽ được xem xét thông qua và có hiệu lực từ tháng 1 năm tới.
Các chuyên gia cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Nhà ở lần này, có thể xây dựng tiêu chí riêng cho từng khu vực cụ thể để đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Nếu được thông qua và một lúc có tới 3 Luật mới sửa đổi có hiệu lực, thì các chuyên gia cũng có những dự báo về những tác động rất lớn về khoảng trống pháp lý tới các dự án bất động sản nói chung và cũng khuyến nghị cần phải có những điều chỉnh phù hợp trong giai đoạn chuyển giao giữa Luật mới - Luật cũ.
"Có những vấn đề là thu hồi đất, có những vấn đề về định giá đất, có những vấn đề là nguyên tắc đền bù, sẽ dẫn đến tình trạng là có những dự án đang làm dở hoặc là đang làm thủ tục. Nếu chúng ta chỉ sửa một vài điều thì nó lại đơn giản, nhưng ở đây chúng ta sửa cả hệ thống hành lang pháp lý, vì vậy chắc chắn nó sẽ có một cái khoảng trống. Nếu như chúng ta không làm tốt việc này thì chúng tôi e là sẽ có nhiều dự án bị ách tắc, nhiều dự án khó tiến thoái lưỡng nan, là làm cái cũ hay cái mới. Còn các cơ quan quản lý địa phương cũng rất khó vì không biết áp dụng như thế nào và xử lý cho các doanh nghiệp, các dự án như thế nào", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhìn nhận.
"Những vấn đề 3 luật đã điều chỉnh, đặc biệt phát triển nhà ở xã hội theo yêu cầu của Chính phủ là phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, tôi cho rằng các cơ quan, đặc biệt là 3 Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với nhau tạo ra cơ chế, tạo văn bản hướng dẫn để kịp thời cho doanh nghiệp thực thi ngay khi có hiệu lực", Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nhận định.
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), có 8 nhóm chính sách, trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng và Ban soạn thảo phải đặc biệt bảo đảm nguyên tắc sửa đổi Luật Nhà ở phù hợp với các Luật Đất đai, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản; đồng thời, phải cải cách thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội.
Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi lần này cũng đề cập tới việc cải cách thủ tục hành chính, nhất là về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội. Những nội dung mới này cũng được kỳ vọng là sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị và cán bộ, công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
VTV.vn - Nhiều nhận định cho rằng, chung cư mini đây là sản phẩm lỗi của thị trường, vì vậy cần có sự thay đổi trong văn bản luật liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!