Những người làm nghệ thuật và lý luận - phê bình cũng mong công chúng cởi mở và minh chính hơn khi đánh giá tác phẩm. Tuổi Trẻ giới thiệu bàn tròn mini với các tiếng nói đa chiều sau đây.
Tôn trọng tính hư cấu và cá nhân
Khán giả có quyền nêu ý kiến. Nhà làm phim có quyền làm phim. Nhưng cả hai quyền đó cần dựa vào một nguyên tắc cơ bản: đặc điểm đầu tiên của mọi tác phẩm nghệ thuật là tính hư cấu và tính cá nhân trong biểu đạt.
Nếu không thừa nhận những tính chất cơ bản này thì mọi tranh cãi sẽ không có hồi kết và không thể phân định đúng sai.
Luật Điện ảnh một số nước khẳng định tác phẩm điện ảnh là hư cấu.
Công nhận như vậy ngay từ đầu thì sẽ không có tình trạng áp thước đo "sự thật", "lịch sử" để đánh giá một tác phẩm hư cấu.
Người làm phim cần được bảo vệ bằng nguyên tắc cơ bản này.
Thứ hai, những tranh cãi chứng tỏ tác phẩm được quan tâm, nhưng nếu đi đến chiều hướng kết tội một cách võ đoán, quy chụp, thao túng hoặc kích động dư luận thì không thể chấp nhận được.
Nó ảnh hưởng rất xấu đến sự sáng tạo của nghệ sĩ, tác động tiêu cực đến nền điện ảnh cả về tinh thần, kinh tế lẫn sức cạnh tranh.
Và có một chiều hướng không hay là ép nhà làm phim tự nguyện chỉnh sửa một bộ phim đã có giấy phép phát hành đàng hoàng. Như vậy, những người thao túng dư luận sẽ nghĩ là họ có quyền tác động, gây áp lực đến sáng tạo của người khác.
Nhà quản lý cần đứng trên lập trường vững chắc để phân định đúng sai, lên tiếng khi cần thiết để đời sống sáng tạo điện ảnh được lành mạnh và những nhà làm phim cảm thấy được bảo vệ.
Đạo diễn Phan Đăng Di
- Tham khảo thêm
Cùng mở rộng "chân trời chờ đợi"
Theo lý thuyết tiếp nhận, khi một tác phẩm ra mắt, khán giả luôn có một "chân trời chờ đợi". Thông thường sẽ có ba trường hợp xảy ra.
Một là khán giả thất vọng. Hai là khán giả hài lòng. Và dạng thứ ba là tác phẩm vượt quá "chân trời chờ đợi", có thể vì hay quá, vượt qua kỳ vọng; hoặc là mới lạ quá, khiến họ chưa đón nhận được, cần có thời gian để giải mã và hiểu tác phẩm hơn.
Khi nào văn học nghệ thuật còn sống, sẽ luôn còn những trường hợp như thế.
200 năm qua, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đi qua một cung đường tiếp nhận mà đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng.
Hiện nay tác phẩm được ghi nhận là kinh điển của Việt Nam, nhưng trong quá khứ, Truyện Kiều có lúc bị vùi dập, bị cho là vô giá trị, là một "dâm thư".
Đó là tín hiệu tốt khi công chúng quan tâm và tiếp nhận chứ không quay lưng, thờ ơ, cho thấy đời sống văn học nghệ thuật đang thở, đang sôi động.
Nếu chỉ có độc thoại hoặc không ai buồn cất tiếng thì rất buồn tẻ, đáng báo động, có thể dẫn đến cái chết của những tác phẩm.
Đến một lúc nào đó, xã hội sẽ có cái nhìn tương đối phù hợp với giá trị thực của tác phẩm, cần có thời gian bởi xung quanh tác phẩm luôn có nhiều yếu tố chi phối: văn hóa, chính trị, giáo dục, xã hội...
Bên cạnh đó, chúng ta cần đối thoại trên tinh thần tôn trọng và bình đẳng; tránh quy chụp, vùi dập, bóp méo và xuyên tạc, dùng những thứ ngoài nghệ thuật để nói về nghệ thuật.
TS Hồ Khánh Vân (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Dư luận đúng sẽ làm đúng quỹ đạo
Nói về sáng tạo, rất khó để đưa ra giới hạn, điểm dừng vì còn tùy thuộc rất nhiều vào từng hoàn cảnh cụ thể, tài năng nghệ sĩ và cả khả năng tiếp nhận của công chúng.
Công chúng lại chia ra nhiều tầng lớp, bộ phận, lứa tuổi... khác nhau nữa. Không dễ gì thỏa mãn được tất cả.
Nhưng công chúng là khách hàng tiêu thụ sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Trước khen - chê của công chúng, nghệ sĩ nên bình tĩnh để soi xét đúng - sai, nhìn lại mình và nhìn lại người.
Nếu họ nói đúng thì mình điều chỉnh, rút kinh nghiệm.
Ngược lại, nghệ sĩ cũng hãy tôn trọng ý kiến đó như tôn trọng bất cứ sự đa dạng nào trong xã hội.
Kể cả khi những lời chê bai kết lại thành làn sóng, nghệ sĩ hãy đón nhận một cách tích cực cả hai chiều, phân tích kỹ những phản ứng đó và biết đâu đám đông đó cũng có cái lý của họ.
(Ở đây, tôi không đề cập đến bộ phận công chúng chưa xem, nghe, đọc tác phẩm đã "té nước theo mưa", lao vào chỉ trích, vùi dập sáng tạo của nghệ sĩ, tạo thành một làn sóng chê bai bùng nổ trên mạng xã hội).
Lời chê đúng là "người thầy" của sáng tạo nghệ thuật, còn hơn lời khen sai nhưng rất nguy hiểm. Dư luận (nếu đúng) sẽ tạo ra một sức ép để văn hóa nghệ thuật đi theo đúng quỹ đạo cần thiết.
Nghệ sĩ Triệu Trung Kiên (giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam)
Công chúng cũng cần thời gian để tương thích
Thực ra những tác phẩm gây tranh cãi bao giờ cũng có hai mặt tích cực, tiêu cực. Một tác phẩm ra đời được công chúng đón nhận, đánh giá, kể cả những quan điểm trái chiều, cũng chứng tỏ tác phẩm không bị lãng quên.
Tuy nhiên, nó cũng cho thấy có những không gian mà nghệ sĩ sáng tạo ra, công chúng không chạm vào hoặc đồng cảm được. Thậm chí có trường hợp nghệ sĩ đi quá xa với sự tiếp nhận của công chúng, tạo ra sự đột ngột, khó đồng cảm ngay được. Điều đó cũng dễ hiểu.
Một tác phẩm văn học nghệ thuật muốn "sống" được phải có công chúng. Cũng qua sự đánh giá tác phẩm của công chúng, nghệ sĩ hiểu tác phẩm của họ hơn.
Nhưng cũng phải nhìn nhận trong vấn đề tiếp nhận, có những tác phẩm văn học nghệ thuật đòi hỏi trình độ hiểu biết về lịch sử, văn hóa, phông nền văn hóa lẫn kiến thức cơ bản về nghệ thuật.
Nhất là trong dòng chảy của nghệ thuật hôm nay, có những tác phẩm văn học, điện ảnh... đầy những bước đi đầy tính phiêu lưu, sáng tạo và có biên độ mở.
Tuy nhiên, công chúng vẫn cần thời gian để tương thích với sự sáng tạo của nghệ sĩ.
Bên cạnh những ý kiến, góp ý trên tinh thần xây dựng - đến từ những người có chuyên môn sâu, những nhà phê bình, nghiên cứu - thì cũng có chuyện trong tiếp nhận, có một số luận điểm cực đoan đến từ việc chưa hiểu tính chất loại hình nghệ thuật, chưa hiểu bản chất của sáng tạo nghệ thuật...
Thêm sự "tiếp tay" của mạng xã hội, tất cả nhiều khi đẩy một tác phẩm văn học nghệ thuật vào con đường bị vùi dập, nghệ sĩ thui chột khả năng sáng tạo. Điều đó không tốt cho môi trường văn hóa nghệ thuật.
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Huế)
Chúng ta đang kiến tạo văn hóa mỗi ngày
Các nhà làm phim có quyền sáng tạo bất cứ thứ gì, nhưng nghiên cứu phim luôn cho thấy điện ảnh có sức mạnh tạo ra ký ức cộng đồng. Vì sao phim điện ảnh Đất rừng phương Nam lại gây tranh cãi?
Phim ra sau lấy cảm hứng về chất liệu từ hai nguồn có trước (Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi và phim Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) được nhiều người yêu thích và đi cùng tuổi thơ của họ, gắn với ký ức cộng đồng, chắc chắn sẽ gây ra những tranh luận trái chiều. Điều đó cũng dễ hiểu.
Về những tranh cãi liên quan đến phim, tôi nghĩ cũng tốt.
Tuy nhiên, trong những ngày "nóng như lửa" vừa qua, tôi cho rằng tranh luận không phải là vấn đề, cách tranh luận mới là vấn đề cần bàn luận.
Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách và muôn vàn khó khăn. Để làm ra được một bộ phim là công sức của bao người.
Nếu phim có vấn đề nào đó, sự tranh luận cũng nên văn minh và mang tính xây dựng.
Chưa hết, người này và người kia cãi nhau qua lại tạo ra một tiền lệ xấu trong việc thưởng thức và tiếp nhận tác phẩm điện ảnh nói riêng và tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung. Thiếu một độ tỉnh táo, bình tĩnh.
Không ít người hay xem "văn hóa" như một giá trị truyền thống lâu đời, nhưng thực ra chúng ta đang tạo ra văn hóa mỗi ngày. Trên mạng, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình nhưng bày tỏ như thế nào để đẹp hơn? Đó là một dấu hỏi mở.
TS Đào Lê Na (tác giả sách Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira)
Hãy xem phim với con mắt minh chính
Tác phẩm nghệ thuật có nhiều chức năng: giải trí, tuyên truyền, thông tin... Có tác phẩm làm tốt chức năng này, có tác phẩm làm tốt chức năng khác. Nhưng không phải tác phẩm nào cũng có thể thỏa mãn tất cả chức năng.
Tác phẩm làm ra bằng sự tâm huyết, chỉn chu có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác.
Khán giả hãy xem các tác phẩm ấy với con mắt minh chính hơn để đừng áp đặt, cá nhân và chủ quan.
Có tình trạng nhiều người đang xem phim qua những review, qua status trên Facebook, qua lời kể của người khác...
Đôi khi người ta chỉ gẩy ra một chi tiết để chê nhưng với người nghe thì chi tiết đó lại là cả một vũ trụ.
Bạn có quyền khen chê nhưng hãy xem phim bằng con mắt của chính mình.
Diễn viên Hạnh Thúy
Trong tuần, doanh thu của 'Đất rừng phương Nam' tăng chậm so với một bộ phim 'viral' trên nhiều nền tảng và có chủ đề thảo luận mới mỗi ngày.