Xét nghiệm máu chỉ số ung thư cao gấp 300 lần nhưng không bị ung thư
Anh P.H.T., 45 tuổi, ở Hà Nội được mời chào tầm soát ung thư giai đoạn sớm bằng xét nghiệm máu. Kết quả mất gần 5 triệu và anh nhận về nỗi lo lắng mất ăn, mất ngủ cho cả gia đình vì chỉ số thấy CA 72.4 cảnh báo ung thư dạ dày của anh cao gấp 300 lần giới hạn cho phép, trong khi kết quả nội soi anh chỉ bị viêm nhẹ.
Hốt hoảng anh tìm đến các chuyên gia ung thư để hỏi và tư vấn cặn kẽ về chế độ ăn. Bác sĩ khuyên anh tạm dừng bổ sung đông trùng hạ thảo, một tháng sau đó xét nghiệm và nội soi lại. Kết quả chỉ số trở lại bình thường.
Bác sĩ Trần Đức Cảnh, khoa nội soi và thăm dò chức năng, Bệnh viện K, cho biết nhiều người cho rằng các xét nghiệm máu có thể tầm soát được ung thư nên thay vì thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư cơ bản. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Theo kết luận từ rất nhiều nghiên cứu về các dấu ấn ung thư đều khẳng định rằng không có một xét nghiệm máu nào có thể cho kết quả đáng tin cậy trong khảo sát, phát hiện sớm ung thư.
Ví dụ chất CEA cũng tăng cao trong các trường hợp viêm loét ruột hoặc bệnh nhân hút nhiều thuốc, AFP tăng khi bệnh nhân bị viêm gan, CA 125 tăng trong nhiều trạng thái lành tính khác của phụ nữ như lạc nội mạc tử cung...
Thông thường ở giai đoạn muộn các chất chỉ điểm khối u trong máu mới tăng, ở giai đoạn sớm hầu hết chất này ở giới hạn bình thường. Chính vì lý do này xét nghiệm máu lại càng không được dùng để tầm soát phát hiện sớm ung thư.
Ung thư giai đoạn rất sớm với bướu còn nhỏ hầu hết không tạo ra đủ lượng chỉ số trong máu để có thể phát hiện được khi làm xét nghiệm. Trong cơ thể người đã có ung thư giai đoạn sớm mà hầu hết dấu hiệu sinh học chỉ điểm u bướu không tăng.
Như vậy chúng ta đã bỏ sót ung thư khi làm xét nghiệm máu, nghĩa là khả năng phát hiện bệnh thấp mà trong y học gọi là độ nhạy thấp, âm tính giả cao.
Hiện nay các chất chỉ điểm khối u (marker ung thư) thường được sử dụng trong các trường hợp theo dõi điều trị ung thư, hoặc bổ sung thêm thông tin khi bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư cao chứ không thực hiện trên người khỏe mạnh để tầm soát ung thư.
Cũng có trường hợp có khối u rõ trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, thậm chí bệnh ở giai đoạn muộn nhưng xét nghiệm máu... hoàn toàn bình thường, bởi không phải ung thư nào cũng gây tăng chất chỉ điểm khối u trong máu.
"Không dùng đơn độc một phương pháp xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư, người bệnh cần được khám lâm sàng, nội soi, siêu âm, chụp chiếu, sinh thiết làm giải phẫu bệnh học và các xét nghiệm khác mới đủ tiêu chí chẩn đoán có mắc ung thư hay không" - bác sĩ Cảnh nhấn mạnh.
Hơn nữa, xét nghiệm nào trong y khoa cũng có thể âm tính hoặc dương tính giả. Nhiều người xét nghiệm thấy kết quả bình thường liền chủ quan, tuy nhiên điều này không có nghĩa là sẽ không bị ung thư. Hoặc nhiều người thấy kết quả lại rơi vào tâm lý hoang mang, lo sợ. Vì vậy cần khám bác sĩ chuyên khoa, đưa ra lời khuyên và các xét nghiệm phù hợp cho từng cá thể là quan trọng nhất.
Sàng lọc khác với chẩn đoán sớm và dấu ấn ung thư
Bác sĩ Trịnh Thế Cường, khoa hóa trị liệu Bệnh viện E, cho biết hiện nhiều người người vẫn còn nhầm lẫn giữa sàng lọc (tầm soát) ung thư, vai trò của dấu ấn ung thư (tumor marker) và chẩn đoán sớm.
Sàng lọc ung thư là phát hiện dạng tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm ở người không có triệu chứng bằng cách sử dụng các test chẩn đoán hoặc các phương pháp khác có thể áp dụng được rộng rãi trong cộng đồng nhằm phát hiện và điều trị sớm giúp giảm tỉ lệ tử vong do ung thư.
Trong thực tế hiện nay chỉ có một số ít loại ung thư có lợi ích thực sự khi thực hiện sàng lọc và được khuyến cáo sàng lọc: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư da, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đầu mặt cổ, ung thư phổi...
Sàng lọc ung thư khác với chẩn đoán sớm: Chẩn đoán sớm là chẩn đoán ung thư ở người có triệu chứng ung thư ở giai đoạn sớm. Ví dụ: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo người trên 50 tuổi không có triệu chứng của ung thư đại trực tràng, sàng lọc ung thư đại trực tràng bằng nội soi đại trực tràng mỗi 10 năm.
Tuy nhiên, nếu người đó có triệu chứng của ung thư đại trực tràng như thay đổi thói quen đi đại tiện, đại tiện có lẫn máu... thì nên đi soi đại trực tràng chẩn đoán ngay dù chưa tới 50 tuổi, đây được gọi là chẩn đoán sớm.
Hướng dẫn sàng lọc dưới đây dựa theo hướng dẫn sàng lọc ung thư của Hiệp hội Ung thư Mỹ, chương trình sàng lọc ung thư của Hàn Quốc, Nhật Bản có điều chỉnh phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Tất cả người lớn trừ người có nguy cơ ung thư cao. Ví dụ người có tiền sử gia đình mắc hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền như bệnh đa polyp tuyến có tính chất gia đình, hội chứng Lynch… sẽ có chương trình sàng lọc riêng.
Marker ung thư (trừ xét nghiệm AFP trong sàng lọc ung thư gan, PSA trong ung thư tiền liệt tuyến) không có vai trò trong sàng lọc ung thư.
Phần lớn các dấu ấn ung thư còn tăng trong những bệnh không phải là ung thư. Do đó dấu ấn ung thư sử dụng đơn lẻ không phải là công cụ chẩn đoán ung thư.
'Hiện nay ung thư vú đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Hơn nữa do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh dẫn đến việc điều trị khó khăn, hiệu quả kém'.