Theo Hãng tin AP, phát biểu trong cuộc họp báo ở St. Louis, bang Missouri, đặc vụ FBI Jay Greenberg giải thích rằng Bình Nhưỡng đã cung cấp cho những công dân này giấy tờ giả, cho phép họ đi đến các nước như Trung Quốc và Nga.
Tại đó, họ nộp đơn xin làm việc từ xa với các công ty Mỹ. Họ sử dụng phần mềm mạng riêng ảo (VPN) để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng họ đang ở Mỹ.
"Kế hoạch này phổ biến đến mức các công ty phải thận trọng để xác minh xem họ đang tuyển dụng ai - ông Greenberg nói - Ít nhất FBI khuyến nghị người sử dụng lao động nên chủ động thực hiện các bước xác minh với nhân viên IT làm từ xa để khiến kẻ xấu khó che giấu danh tính hơn".
Đặc vụ FBI không tiết lộ tên công ty đã thuê những nhân viên Triều Tiên này, chỉ nói chương trình này đã hoạt động ít nhất là từ năm 2019 và hiện nay có hàng ngàn nhân viên IT Triều Tiên tham gia.
Bộ Tư pháp Mỹ còn cho biết trong một số trường hợp, các nhân viên Triều Tiên còn xâm nhập vào mạng máy tính và đánh cắp thông tin từ những công ty đã thuê họ.
Vào tháng 5-2022, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và FBI đã cảnh báo về chương trình của Bình Nhưỡng. Các cơ quan này lưu ý rằng trong những năm gần đây, chính quyền của ông Kim Jong Un đã tăng cường giáo dục và đào tạo các môn công nghệ thông tin.
Ông John Hultquist, người đứng đầu bộ phận tình báo tại Công ty an ninh mạng Mandiant, cho biết chương trình của Bình Nhưỡng được thúc đẩy nhờ COVID-19. "Thế giới hậu COVID-19 đã mang lại cơ hội làm việc từ xa tự do hơn so với trước đây".
Cũng theo ông Hultquist, Triều Tiên cũng có nhân công trong các lĩnh vực khác để rót tiền cho chương trình vũ khí, nhưng mức lương cao hơn mặt bằng chung của ngành IT đã mang lại nguồn lợi lớn hơn.
Ngoại trưởng Nga Lavrov bác bỏ thông tin của Washington về việc Triều Tiên gửi vũ khí cho Nga và gọi đây là 'những tin đồn không căn cứ'.