Nói về việc xử lý nghiêm các công trình vi phạm, TS Cao Vũ Minh, giảng viên Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), nguyên phó tổng biên tập tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, cho rằng: "Việc này làm đúng quy định và cần thiết để xóa đi ý nghĩ lâu nay cứ xây, cứ mua bán, xong lâu dài kiểu gì cũng cho hợp thức hóa".
Cảnh tỉnh những người mua nhà trái phép
* Như ông nói thì hành động xử lý phá dỡ công trình vi phạm sẽ là bài học cảnh tỉnh để người dân khi mua nhà đất phải tìm hiểu kỹ về pháp lý?
- Lâu nay việc xử phạt cho tồn tại tạo ra sự nhờn luật, thậm chí thách thức pháp luật. Nhiều người vẫn giữ ý nghĩ cứ xây lụi, làm sai rồi ép các cơ quan nhà nước phải cho tồn tại. Thực tế, những người mua nhà đất xây lụi này hầu hết là người ít tiền, vài trăm triệu mua nhà đất là cả gia tài dành dụm. Nay bị phá dỡ, nhiều người không có khả năng vực dậy lần nữa.
Đấy là sự cảnh báo người mua nhà đất phải tìm hiểu rõ giấy tờ pháp lý, quy hoạch, giấy phép xây dựng, hiện trạng... Đừng nghĩ cứ mua đi, trước sau gì Nhà nước cũng cho hợp thức hóa!
* Vậy còn trách nhiệm của những người quản lý đất đai, xây dựng ở địa phương đến đâu khi đã để cho công trình xây dựng vi phạm lâu nay?
- Sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém của địa phương dẫn đến các công trình được xây lên không phép suốt thời gian dài, nay bị đập đồng loạt. Tốn kém rất lớn, hàng trăm người mất nơi ở. Phường nào cũng có công chức quản lý đất đai, xây dựng và thanh tra địa bàn, không thể nói không biết hàng trăm căn nhà xây lụi. Nói địa bàn rộng đấy là ngụy biện.
Những vi phạm này kéo dài, những người quản lý địa bàn không phát hiện được vi phạm phải chịu trách nhiệm.
Khởi tố hình sự, làm án điểm để răn đe
* Thực tế nhiều người dân khi mua nhà đất thấy có số nhà mới mua. Vậy trách nhiệm quản lý như ông nói là như thế nào?
- Trước khi có chỉ thị 23 của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM (25-7-2019) về chấn chỉnh trật tự xây dựng, trung bình mỗi ngày có khoảng 8-9 vụ vi phạm xây dựng. Chỉ thị quy trách nhiệm của bí thư, chủ tịch địa phương để xảy ra xây dựng sai phép, không phép.
Từ đó, tỉ lệ vi phạm giảm đáng kể. Điều này cho thấy khi quyết tâm chấn chỉnh, quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm sẽ giúp quản lý tốt việc xây dựng.
Cần xác định trách nhiệm của lãnh đạo các quận, phường để xảy ra vi phạm để xử lý nghiêm. Kể cả cán bộ, công chức về hưu cũng phải áp dụng các hình thức kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu để răn đe.
* Cũng có ý kiến cho rằng nếu chỉ dừng lại ở xử lý kỷ luật sẽ khó răn đe, vì vậy cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ mức độ vi phạm?
- Hiệu ứng xã hội của vụ việc rất lớn. Trước thiệt hại chi phí xã hội rất lớn khi phải đập bỏ nhà không phép, điều cần làm rõ nhất là có hay không sự lơ là, móc nối của cán bộ, công chức với người vi phạm dẫn đến những vi phạm kéo dài này. Cần có một án điểm để điều tra làm rõ, nếu có vi phạm xử lý hình sự để răn đe mạnh mẽ cho các cán bộ, công chức quản lý.
Bộ luật Hình sự có điều khoản về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở, trong đó có xây dựng trái phép. Còn đối với cán bộ, công chức có các nhóm tội về chức vụ. Trong đó, nếu có dấu hiệu nhận hối lộ rồi mắt nhắm mắt mở cho người dân vi phạm cũng có thể khởi tố.
Đây cũng là việc cần làm để bảo vệ niềm tin công dân, không thể để việc vi phạm kéo dài, có thể có dấu hiệu tiếp tay, sau đó chỉ dừng lại việc kỷ luật, trong khi nhiều người dân mất trắng nhà.
Để chấn chỉnh chung về vi phạm xây dựng trên toàn TP, Thành ủy TP.HCM đã ban hành chỉ thị số 23-CT/TU (tháng 7-2019).
Tháng 6-2020, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP, Thanh tra TP ban hành 3 kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý đất đai, xây dựng tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và quận Thủ Đức (cũ). Nhiều tập thể, cá nhân có trách nhiệm quản lý địa bàn tại các quận huyện trên đã bị kỷ luật.
Mới đây Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, vì vi phạm quản lý đất đai, xây dựng. Ngoài ra còn một số vụ vi phạm phải xử lý như tháo dỡ nhà xưởng vi phạm của phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức (cũ) năm 2019; tháo dỡ công trình vi phạm có quy mô diện tích lớn như khu ẩm thực Tháp Ngà (Nhà Bè), khu ẩm thực Bình Xuyên (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), Gia trang quán - Tràm Chim resort (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh)...
Riêng huyện Bình Chánh đến nay đã tháo dỡ hàng nghìn căn nhà xây lụi trên đất nông nghiệp.
Chị Nguyễn Hoàng Quyển (quận Bình Tân):
Cứ ngỡ được an cư
Vợ chồng tôi từ quê lên TP.HCM lao động. Năm 2005, vợ chồng tôi cùng các anh em mua các mảnh đất phân lô giá 150 triệu đồng. Đến 2015, tôi cất "chòi lá" trên đất. Tôi và các hộ dân khác có hay tin đất mình nằm trong quy hoạch của dự án mở rộng Trường THPT Bình Tân nhưng dự án không biết lúc nào làm.
Sau nhiều lần sửa chữa, tôi xây tường và xin cấp số nhà.
Cũng giống như một số nhà cùng dãy, UBND phường ghi nhận nhà xây dựng không phép và được tồn tại, đề xuất quận cấp số nhà 117/4/1A4/26 đường Hồ Văn Long, khu phố 2, phường Tân Tạo. Sau đó, gia đình tôi đăng ký hộ khẩu và làm căn cước gắn với địa chỉ nhà này. Cứ ngỡ là được an cư, nào ngờ đầu năm 2023 chính quyền địa phương xử lý vi phạm, nhà của tôi đã hoàn tất phá dỡ.
Lúc xây nhà tôi không nghĩ tới một ngày bị đập như thế này.
Hoàn cảnh của tôi hiện rất khó khăn, tôi là công nhân Công ty Pouyeun (quận Bình Tân) nhưng bị thất nghiệp. Cả nhà trông vào đồng lương của chồng. Từ ngày phá dỡ nhà, gia đình tôi che bạt ở tạm trên đất vì không biết đi đâu. Vài hộ khác cũng vậy.
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là chính quyền có chính sách nào đó có thể hỗ trợ nơi ở, kiểu nhà ở xã hội cho chúng tôi được thuê, trả góp, chứ che bạt ở tạm vậy khổ quá. Tôi cũng làm đơn cứu xét gửi tới các cơ quan chức năng.
Tâm lý lờn pháp luật
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát giải quyết cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp tách thửa, tự chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng giấy tay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dân tự ý tách thửa, trong đó có cả việc chậm hướng dẫn thực hiện quy định về tách thửa, thiếu quy hoạch, quản lý địa bàn chưa chặt dẫn đến tự ý tách thửa, phân lô.
Sự thay đổi pháp luật về đất đai và sự áp dụng, vận dụng chính sách để giải quyết với thực trạng vi phạm xây dựng, vi phạm tách thửa... có tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan.
Một nguyên nhân cũng tác động tiêu cực, dẫn đến tâm lý lờn pháp luật, đó là việc để kéo dài, không cưỡng chế tháo dỡ dứt điểm các công trình vi phạm. Thực trạng này thời gian qua xảy ra khá phổ biến ở nhiều quận huyện đã được các kết luận thanh, kiểm tra chỉ ra.
Liên quan 150 căn nhà xây lụi phải phá dỡ ở Bình Tân, ông Nguyễn Minh Nhựt, chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho hay các căn nhà trên đã xây trong nhiều năm trước trên địa bàn phường Tân Tạo.
Sau khi quận ra quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm, một số hộ dân tự tháo dỡ, một số hộ dân xin cho thêm thời gian do khó khăn sắp xếp chỗ ở. Đến nay địa phương phải tiến hành tháo dỡ để bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Về trách nhiệm quản lý địa bàn, ông Nhựt nói: "Nhà vi phạm đã xây từ nhiều năm trước, quận sẽ cho rà soát lại, kiểm điểm về trách nhiệm liên quan của địa phương để xảy ra vi phạm xây dựng. Đối với các hộ dân phải phá dỡ nhà, trường hợp nào thuộc diện hộ nghèo, đối tượng chính sách, thực sự khó khăn thì quận có các chương trình, chính sách an sinh xã hội tương ứng theo quy định", ông Nhựt nói.
TTO - Theo đơn kiện, ông Hữu cho rằng việc này vi phạm nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính "Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần" căn cứ quy định Luật xử lý vi phạm hành chính.