vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp tuần qua: Công trình Viettel rút khỏi Peru; Hoàng Anh Gia Lai bán khách sạn; SASCO lãi đậm; PNJ đi ngang

2023-10-22 10:59

Công trình Viettel chấm dứt dự án tại Peru sau hơn chục năm

HĐQT của Tổng CTCP Công trình Viettel quyết định chấm dứt đầu tư tại thị trường Peru và giao Tổng giám đốc hoàn thiện các thủ tục để đóng cửa liên quan.

Công trình Viettel chỉ còn đầu tư vào hai thị trường nước ngoài là Cambodia và Myanmar ảnh 1

Công trình Viettel chỉ còn đầu tư vào hai thị trường nước ngoài là Cambodia và Myanmar

Cụ thể, Công trình Viettel sẽ chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài tại thị trường Peru; đóng cửa/giải thể Công ty Viettel Construction Peru S.A.C theo đúng quy định, đảm bảo không làm thất thoát vốn và tài sản đã đầu tư tại thị trường này; đảm bảo các nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan về chính sách lao động theo quy định của pháp luật nước sở tại và pháp luật Việt Nam.

HĐQT cũng giao Tổng giám đốc hoàn thiện các thủ tục để đóng cửa gông ty con và chấm dứt hoạt động dự án đầu tư ra nước ngoài tại thị trường Peru tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Viettel Construction Peru S.A.C có vốn điều lệ 10.000 USD, là Công ty con do Công trình Viettel sở hữu 99,9%, trụ sở đặt tại thủ đô Lima, Peru. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thi công, xây lắp hạ tầng viễn thông. Công trình Viettel bước chân vào thị trường Peru từ năm 2012 sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại thị trường này. Công ty bắt đầu triển khai thi công hạ tầng mạng lưới từ năm 2013. Như vậy, sau hơn 10 năm, CTR đã chính thức nói lời chia tay với thị trường này.

Hoạt động kinh doanh của Viettel Construction Peru nổi bật với dự án phối hợp Bitel xây lắp hệ thống trạm BTS, đưa sóng điện thoại và Internet đến với khu vực vùng sâu vùng xa nhất lưu vực sông Tigre thuộc rừng rậm Amazon. Kết quả 4 trạm phát sóng được xây dựng thành công, giúp triển khai được luồng truyền dẫn vào khu khai thác dầu khí tại khu vực Trompeteros.

Theo số liệu được CTR công bố năm 2022, Viettel Construction Peru S.A.C mang về 52,8 ngàn tỷ đồng doanh thu và 647 tỷ đồng lợi nhuận.

Trước đó, CTR cũng đã lần lượt tiến hành thủ tục đóng cửa tại các thị trường Tanzania, Mozambique và Lào. Sau khi tiếp tục rút khỏi thị trường Peru, hiện tại Công trình Viettel chỉ còn đầu tư vào hai thị trường nước ngoài là Cambodia và Myanmar, đều hoạt động trong lĩnh vực thi công, xây lắp hạ tầng viễn thông.

VinFast ký với Yorkville Advisors thỏa thuận mua cổ phiếu trị giá lên tới 1 tỷ USD

VinFast Auto Ltd công bố ký kết thỏa thuận với quỹ YA II PN (Yorkville) về việc mua cổ phiếu VFS. Theo đó, VinFast có quyền phát hành lên tới 1 tỷ USD cổ phiếu phổ thông VFS cho Yorkville, vào bất kỳ thời điểm nào theo các điều kiện và điều khoản của thỏa thuận.

Yorkville Advisors là quỹ quản lý đầu tư của Mỹ có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư vào các công ty niêm yết ảnh 2

Yorkville Advisors là quỹ quản lý đầu tư của Mỹ có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư vào các công ty niêm yết

Yorkville Advisors là quỹ quản lý đầu tư của Mỹ có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư vào các công ty niêm yết. Tiêu chí đầu tư của Yorkville tập trung vào đội ngũ quản lý, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và các chỉ số giao dịch chứng khoán.

Theo thỏa thuận, VinFast sẽ có quyền yêu cầu Yorkville mua tới 1 tỷ USD cổ phiếu phổ thông VFS, vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn 36 tháng của Thỏa thuận.

Ông David Mansfield, Giám đốc Tài chính của VinFast cho biết, nguồn vốn mới này đem đến sự linh hoạt và chủ động trong việc tiếp cận vốn nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, đồng thời cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu công ty.

Ông cũng cho biết Công ty sẽ tiếp tục đánh giá các nguồn vốn tối ưu từ thị trường vốn quốc tế để bổ trợ cho quá trình phát triển của VinFast.

Người sáng lập kiêm Chủ tịch của Yorkville, ông Mark Angelo cũng chia sẻ, VinFast thực sự là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện và Yorkville rất hào hứng khi được tham gia vào quá trình phát triển và tăng tưởng của VinFast.

Yorkville Advisors là quỹ quản lý đầu tư toàn cầu, đầu tư vốn vào vốn cổ phần và nợ. Tiêu chí đầu tư của Yorkville tập trung vào đội ngũ quản lý, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và các chỉ số giao dịch chứng khoán.

Hoàng Anh Gia Lai đã bán khách sạn 180 tỷ đồng

CTCP Hoàng Anh Gia Lai vừa cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023, trong đó có khoản doanh thu khác từ việc thanh lý tài sản 180 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai cho biết sản lượng tiêu thụ mảng chăn nuôi là 34.911 con heo thịt, ngành cây ăn trái là 38.469 tấn chuối. Nhờ đó, doanh thu thuần của Công ty đạt 679 tỷ đồng, trong đó ngành chăn nuôi 196 tỷ đồng (chiếm 29%), ngành cây ăn trái 375 tỷ đồng (55%) và ngành phụ trợ 108 tỷ đồng (16%).

Mặt khác, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận khoản doanh thu khác 180 tỷ đồng từ việc thanh lý tài sản. Khoản doanh thu này xuất hiện trong bối cảnh cuối tháng 9, HĐQT Công ty đã thông qua Nghị quyết về việc thanh lý toàn bộ tài sản gắn liền với đất thuộc khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 đường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Mục đích thanh lý là nhằm thanh toán một phần nợ của lô trái phiếu HAGLBOND16.26 phát hành hồi năm 2016 (còn đang lưu hành gần 5,9 ngàn tỷ đồng). Toàn bộ số tiền thu được sẽ ưu tiên thanh toán nghĩa vụ của Công ty liên quan đến lô trái phiếu này tại BIDV. Tuy nhiên, phía Công ty chưa công bố thông tin chính thực việc liệu 180 tỷ đồng nêu trên có phải đến từ thương vụ chuyển nhượng khách sạn Hoàng Anh Gia Lai hay không.

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai hoạt động từ năm 2005, là khách sạn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên ảnh 3

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai hoạt động từ năm 2005, là khách sạn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên

Được biết, khách sạn Hoàng Anh Gia Lai có vị trí đắc địa khi nằm ngay quảng trường Phù Đổng - Trung tâm TP. Pleiku, hoạt động từ năm 2005 và là khách sạn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên với 117 phòng ngủ.

Theo một số nguồn tin, Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai có thể là bên nhận chuyển nhượng khách sạn Hoàng Anh Gia Lai từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai chỉ mới vừa được thành lập vào ngày 20/06/2023, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động của các câu lạc bộ thể thao (trừ hoạt động của các sàn nhảy).

Xuất khẩu tôm phục hồi, Thực phẩm Sao Ta có quý lãi cao nhất trong hơn 1 năm

Trong quý 3/2023, ông lớn xuất khẩu tôm là CTCP Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần gần 1,8 ngàn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Giai đoạn này, nhu cầu đã hồi phục rõ rệt, với sản lượng tiêu thụ quý 3 củaThực phẩm Sao Ta đạt 6.739 tấn, gấp đôi quý trước.

Đây là kết quả tương đối tích cực khi ngành xuất khẩu tôm chỉ vừa hồi phục trong giai đoạn gần đây.

Thực phẩm Sao Ta đang tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý 4 ảnh 4

Thực phẩm Sao Ta đang tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý 4

Tuy nhiên, lãi gộp giảm 4% so với cùng kỳ, đạt 184 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ do giá bán đầu ra chưa hồi phục.

Trong kỳ này, chi phí bán hàng giảm mạnh tương ứng 27% xuống 67 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí vận chuyển giảm mạnh. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 25% xuống 18 tỷ đồng.

Điểm trừ trong báo cáo của Thực phẩm Sao Ta là chi phí tài chính tăng mạnh lên 32 tỷ đồng, trong đó 12 tỷ đồng đến từ lỗ tỷ giá.

Xét tổng thể, Sao Ta lãi ròng gần 82 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 6% so với cùng kỳ và là mức lãi cao nhất kể từ quý 2/2022.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hồ Quốc Lực, Thực phẩm Sao Ta đang nỗ lực vượt khó và kỳ vọng lợi nhuận năm nay ít nhất cũng đạt 90% so với năm 2022.

Ông Lực tiết lộ: “Tháng 9, các nhà máy chế biến của Công ty tất bật cho các đơn hàng đang có, tập trung đơn hàng chế biến sâu như tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên… Tình hình này còn kéo dài thêm hai tháng nhằm đáp ứng sự tập kết, chuẩn bị hàng cho các hệ thống phân phối, tiêu thụ cuối năm”.

Hiện, Thực phẩm Sao Ta đang tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp cho các hợp đồng giao quý 4.

SASCO của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn ghi nhận lãi đậm

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) vừa báo tin vui cho các cổ đông khi ghi nhận quý lãi đậm nhất trong 4 năm qua. Sau 9 tháng, SASCO thực hiện được gần 90% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SASCO ghi nhận doanh thu thuần 1.886 tỷ đồng và lãi ròng 241 tỷ đồng ảnh 5

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SASCO ghi nhận doanh thu thuần 1.886 tỷ đồng và lãi ròng 241 tỷ đồng

Nhìn vào kết quả kinh doanh, SASCO ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong quý 3/2023, doanh thu thuần đạt 714 tỷ đồng, tăng trưởng 72% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ mảng cửa hàng miễn thuế, phòng chờ.

Lãi gộp quý 3 ở mức 423 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của SASCO cũng cải thiện đáng kể. Nếu cùng kỳ 100 đồng doanh thu mang về 52 đồng lợi nhuận, thì quý 3/2023 con số này hơn 59 đồng.

Bên cạnh hoạt động cốt lõi, doanh thu tài chính của SASCO cũng tăng gấp nhiều lần lên 41 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay bằng 0.

Trong giai đoạn này, cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng 82% so với cùng kỳ, lần lượt ơ mức 210 tỷ đồng và 100 tỷ đồng.

Kết quả, SASCO lãi ròng 131 tỷ đồng, gấp 3.7 lần cùng kỳ và là quý lãi cao nhất kể từ năm 2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SASCO ghi nhận doanh thu thuần 1.886 tỷ đồng và lãi ròng 241 tỷ đồng, tăng tương ứng 124% và 99% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, Công ty dưới sự điều hành của ông Johnathan Hạnh Nguyễn thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Lợi nhuận PNJ đi ngang trong quý 3

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận báo lãi sau thuế quý 3/2023 hơn 253 tỷ đồng, gần như tương đương cùng kỳ trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tiêu dùng vẫn chưa khởi sắc.

Ngày 27/10 tới, PNJ dự kiến chi khoảng 262 tỷ đồng trả cổ tức đợt 3/2022 cho cổ đông theo tỷ lệ 8% ảnh 6

Ngày 27/10 tới, PNJ dự kiến chi khoảng 262 tỷ đồng trả cổ tức đợt 3/2022 cho cổ đông theo tỷ lệ 8%

Quý 3/2023, PNJ ghi nhận doanh thu thuần khoảng 6.918 tỷ đồng và lãi gộp 1.198 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 4% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đi ngang đạt 17%.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính mang về gần 27 tỷ đồng, gấp 4.2 lần cùng kỳ, do lãi tiền gửi tăng mạnh. Đối trọng lại, Công ty gánh 36 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng 10%. Hơn nữa, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 175 tỷ đồng, tăng 5%.

Trong khi đó chi phí bán hàng chiếm 697 tỷ đồng, giảm 4%.

Kết quả, PNJ đạt lãi sau thuế hơn 253 tỷ đồng trong quý 3, ít có sự biến động với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần PNJ ở mức gần 23.377 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ và đạt 66% kế hoạch năm. Lãi sau thuế đi ngang ở mức 1.340 tỷ đồng, thực hiện được 69% mục tiêu lợi nhuận năm.

Ngày 27/10 tới, PNJ dự kiến chi khoảng 262 tỷ đồng trả cổ tức đợt 3/2022 cho cổ đông theo tỷ lệ 8% (800 đồng/cổ phiếu).

Xem thêm: lmth.322233tsop-gnagn-id-jnp-mad-ial-ocsas-nas-hcahk-nab-ial-aig-hna-gnaoh-urep-iohk-tur-letteiv-hnirt-gnoc-auq-naut-peihgn-hnaod/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Doanh nghiệp tuần qua: Công trình Viettel rút khỏi Peru; Hoàng Anh Gia Lai bán khách sạn; SASCO lãi đậm; PNJ đi ngang”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools