Ngày 10-10, Ủy ban Điều tra Liên Hiệp Quốc cho biết đang “thu thập và lưu giữ bằng chứng về tội ác chiến tranh của tất cả các bên” theo luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá cuộc tấn công của Hamas vào Israel là một hành động “khủng bố", cho rằng hành động này “làm nổi lên những vết sẹo ký ức đau buồn do chủ nghĩa bài Do Thái và nạn diệt chủng hàng thiên niên kỷ để lại cho người Do Thái”.
Ba ngày sau, đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc Riyad Mansour kêu gọi tổ chức này ngăn chặn Israel thực hiện tội ác chống lại loài người.
Và gần đây nhất vào ngày 18-10, hàng trăm người biểu tình ủng hộ Palestine đã tụ tập bên ngoài trụ sở Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở La Haye để yêu cầu hành động chống lại tội diệt chủng đối với người Palestine.
Đài France 24 đã phân tích cụ thể các thuật ngữ liên quan đến việc vi phạm luật lệ chiến tranh - được các bên tận dụng để lên án lẫn nhau - cần được hiểu như thế nào trong cuộc chiến giữa Hamas - Israel.
Tội ác chiến tranh
Theo Liên Hiệp Quốc, tội ác chiến tranh là một hành động bất hợp pháp hoặc một tập hợp các hành động vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Nó bao gồm: hành động nhắm vào người cần được bảo vệ như người bị thương, thường dân, ngăn trở các nỗ lực nhân đạo hay hoạt động gìn giữ hòa bình, tra tấn, bắt giữ con tin…
Tội ác chiến tranh luôn được thực hiện có chủ ý và luôn diễn ra trong thời điểm có xung đột vũ trang quốc tế hoặc phi quốc tế.
Ông Marco Sassoli, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Geneva, nói: “Chiến tranh luôn vô nhân đạo. Nhưng nếu luật nhân đạo quốc tế được tôn trọng thì sẽ bớt hơn”.
Đối với ông Sassoli, cuộc tấn công của Hamas được thực hiện trong lễ hội âm nhạc Supernova ở sa mạc gần biên giới Gaza “là sự vi phạm rõ ràng” luật pháp quốc tế và là tội ác chiến tranh.
Nhưng việc truy tố những tội ác như thế này là một quá trình lâu dài và tốn nhiều công sức. Phải mất nhiều năm điều tra và kiện tụng, và các quyết định thường được đưa ra hàng thập kỷ sau khi xung đột kết thúc.
Ví dụ vào năm 2012, cựu tổng thống Liberia Charles G. Taylor đã bị kết án 50 năm tù vì những tội ác mà ông ta đã gây ra trong cuộc nội chiến ở Sierra Leone vào những năm 1990.
Cơ quan có thể buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh là Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), được thành lập năm 2002.
Tội ác chống lại loài người
Không giống như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người không nhất thiết phải diễn ra trong bối cảnh xung đột vũ trang và không cần phải có chủ định tổng thể đặc biệt nào.
Tội ác chống lại loài người vẫn được coi là vi phạm cơ bản luật hình sự quốc tế và là “một trong những tội ác nghiêm trọng nhất cần quan tâm”, theo ICC.
Tội ác chống lại loài người có thể được thực hiện thông qua một số hành vi khác nhau bao gồm phân biệt chủng tộc, nô lệ hóa hoặc cưỡng bức di dời dân cư, xảy ra trong bối cảnh một cuộc tấn công có hệ thống và rộng khắp nhằm vào dân thường.
Để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas, quân đội Israel đã san bằng toàn bộ các khối nhà ở Gaza và chuẩn bị cho một cuộc chiến trên bộ mà họ cho biết sắp diễn ra.
Chính quyền Israel đã cảnh báo người dân phía bắc Gaza sơ tán về phía nam, một động thái được ông Sassoli coi là “không thể chấp nhận được theo luật nhân đạo”.
Diệt chủng
Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 1943 từ luật sư Ba Lan Raphael Lemkin, người đã chứng kiến các vụ thảm sát do Đức Quốc xã thực hiện và đã dành cả cuộc đời mình vận động để từ này được hệ thống hóa thành một tội ác quốc tế.
Diệt chủng lần đầu tiên được Liên Hiệp Quốc công nhận là tội ác theo luật quốc tế vào năm 1946 và sau đó được quy định trong Công ước diệt chủng năm 1948.
Giống như tội ác chống lại loài người, nó có thể được thực hiện thông qua nhiều hành vi khác nhau, bao gồm giết người, gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần và cưỡng bức.
Nhưng để những hành động đó bị coi là tội diệt chủng, chúng phải được thực hiện “với ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo trên bình diện quốc gia”. Các cuộc thảm sát của Đức Quốc xã với người Do Thái, những hành động tàn bạo diễn ra ở Rwanda và Armenia là ví dụ về tội ác diệt chủng.
Tuy nhiên, ông Sassoli đề nghị phải cực kỳ thận trọng khi sử dụng thuật ngữ này để mô tả các cuộc tấn công của Israel vào Gaza.
Ông nói: “Chúng ta không nên sử dụng một thuật ngữ nghiêm trọng như vậy".
Làn sóng thông tin sai lệch từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ, bao gồm cả những thông tin lan truyền trên mạng, đang dấy lên lo ngại cho việc châm ngòi chiến sự leo thang và 'chiến tranh điện tử'.