Không phải trò nghịch dại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà đây là một việc làm có chủ ý. Chỉ một lời khai ban đầu được công bố đã khiến bao nhiêu người lớn phải nghĩ suy.
Bầu không khí độc hại nào đã làm nảy sinh ý muốn giết người trong đầu một đứa trẻ, lại là giết cha mình?
Phải chăng những bữa nhậu, những đêm say rượu, những lời mắng chửi... tích tụ dần qua mỗi ngày có đủ để biến tình cha con trở thành thù hận? Đạo lý không cho phép nhưng việc ấy lại rất có thể và thực tế thì đã từng xảy ra nhiều.
Khi đọc bản tin về vụ việc này, nhiều người đọc đã liên tưởng đến những vụ án tương tự, nhiều người nhớ lại tuổi thơ của chính mình với một người cha nát rượu, có người không ngần ngại thú nhận mình cũng từng có ý định giết người.
Những vụ án có nguyên nhân từ rượu không chỉ dừng ở hành vi không thể kiểm soát của người say rượu nữa mà còn gây ra những bức xúc, những ấm ức với người xung quanh để lúc nào đó bùng nổ thành bi kịch.
Ngay với những người đã kìm nén được mình, vượt qua được những khoảnh khắc bầm gan thì vết thương lòng sau này cũng sẽ còn nhiều lần xót xa, tứa máu.
Nạn nhân, hậu quả của rượu bia còn nhiều, có thể thấy ở khắp nơi như thực trạng "ra đường gặp quán nhậu, trước hẻm có bán rượu bia".
Không có gì chắc chắn khi nói rằng bi kịch trong câu chuyện của cậu bé 14 tuổi sẽ không còn xảy ra. Bởi Việt Nam xếp thứ hai khu vực Đông Nam Á, xếp thứ ba châu Á về tiêu thụ bình quân rượu bia trên đầu người (170 lít bia/người/năm tính trên số người trên 15 tuổi).
Kinh tế khó khăn nhưng hàng chục ngàn tỉ đồng vẫn được đổ vào rượu bia. Hãng xưởng, cửa hàng đóng cửa nhưng các quán nhậu vẫn mở đều, đông khách.
Và từ bia rượu ngập tràn, những chất kích thích không khó tìm, những con người bỗng thành "ma men, ngáo đá", hành xử gây nhiễm độc bầu không khí xung quanh, nhiễm độc trước hết cho chính những người thân trong gia đình. Từ bị nhiễm độc cho đến ra tay hạ độc chẳng phải là con đường xa.
Tất nhiên sẽ còn rất nhiều nguyên do, rất nhiều vấn đề cần phân tích trong từng câu chuyện cụ thể, nhưng với vấn nạn từ bia rượu, phải chăng vụ án hôm nay lại là một hồi còi báo động một lần nữa, sau rất nhiều hồi còi báo động đã vang lên trước đó?
Cần sự thức tỉnh sau cơn say của người mê uống rượu. Thật khó. Nhưng cũng phải nhắc đến một biện pháp mạnh tay để hạn chế việc mua rượu bia.
Hiện nay ai, chỗ nào cũng có thể mở cửa hàng bán bia, quán nhậu. Tiếc rằng các biện pháp, kiểm soát chặt hơn nếu có manh nha từ cơ quan chức năng đều chết ngay từ trong trứng nước.
Cứ vậy rượu bia bán tràn lan, giá rẻ, ai cũng có thể tiếp cận. Nghĩ lại, chúng ta đã từng khó khăn thế nào khi ngăn chặn nạn uống rượu bia nhưng vẫn lái xe. Việc quá khó nhưng quyết tâm vẫn làm được. Giờ đây mọi người đã biết kiểm soát rượu bia nếu muốn cầm lái.
Có thể học gì từ bài học kiểm soát ma men lái xe để xóa dần nạn "phủ sóng", bình dân hóa rượu bia, nếu chúng ta muốn bớt đi, không lặp lại những bi kịch có nguồn gốc từ rượu bia?
Công an tỉnh Tiền Giang cho biết liên quan đến vụ chết người nghi do bị đầu độc xảy ra tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, cơ quan công an đã bắt giữ được nghi phạm có liên quan đến vụ án.