Nửa cuối tháng 10-2023, chúng tôi đến khu tái định cư ở thôn Măng Rao (xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) và thật xót xa khi chứng kiến mấy chục ngôi nhà đã bị dỡ hết mái, cửa, bỏ hoang phế nhiều năm. Cả làng tái định cư 64 ngôi nhà, giờ chỉ một hộ gia đình còn ở lại.
Làng tái định cư nhưng dân không định cư
Theo chính quyền địa phương, năm 2009, trận lũ lịch sử xảy ra tại địa bàn huyện Đăk Glei đã khiến ngôi làng Đăk Đoát của xã Đăk Pet chìm trong biển nước.
Lúc ấy, mấy chục căn nhà của làng nằm cạnh phân lưu của con sông Pô Kô bị nước lũ ở thượng nguồn ào về nhấn chìm. Sau trận lũ, hàng chục gia đình người Giẻ Triêng lâm cảnh màn trời chiếu đất vì lũ dữ cuốn phăng cả nhà cửa, đất đai, tài sản.
Trước tình cảnh ấy, năm 2010, UBND huyện Đăk Glei làm chủ đầu tư dự án khu tái định cư tại thôn Măng Rao của xã Đăk Pét với tổng kinh phí khoảng 16 tỉ đồng.
Khu tái định cư này có vị trí gần với trụ sở UBND xã, cách làng cũ của bà con khoảng 6-7km.
Dự án xây kiên cố 64 căn nhà, nằm ngay ngắn trên khoảnh đất 2 hecta thoáng rộng, bằng phẳng. Hệ thống hạ tầng như đường, điện và nước sạch được xây dựng hoàn thiện, có cả không gian văn hóa trung tâm dùng để làm nhà rông.
Khu tái định cư được đưa vào sử dụng năm 2012, giao nhà, đất cho 64 hộ dân.
Tưởng chừng bà con về đây ở ổn định lâu dài. Không ngờ, chỉ ít lâu sau khi nhận nhà, nhận đất, hầu hết người dân lại rủ nhau bỏ làng tái định cư, dỡ mái tôn, cạy lấy cửa đem về dựng lại nhà nơi làng cũ bên sông dữ.
Vậy là hơn 10 năm trôi qua, ngôi làng tái định cư gần như bị bỏ hoang. Cả làng giờ chỉ còn 1 hộ duy nhất ở lại, đó là vọ chồng anh A Nhong (36 tuổi) và chị Y Nhung (31 tuổi).
Ngôi nhà của gia đình anh chị nằm giữa những căn nhà bỏ hoang, xuống cấp, trống rỗng và bụi dại mọc um tùm.
Hằng ngày, A Nhong làm phụ xe cho một chuyến xe đường dài nên người vợ cùng con nhỏ mới sinh mấy tháng tuổi ở nhà. Người phụ nữ vừa sinh con này chỉ biết lủi thủi trong trống vắng.
"Mình ở đây vì vợ chồng mình không làm rẫy ở làng cũ, cũng thuận để chồng đi theo xe để làm ăn. Một mình tại đây rất buồn và cũng sợ, muốn nhờ ai tới giúp đỡ chuyện này chuyện kia cũng không có" - chị Nhung cho biết.
Chính quyền "bó tay"
Đưa chúng tôi vào khu tái định cư bỏ hoang này, ông Nguyễn Khắc Tụ - phó chủ tịch UBND xã Đăk Pét, không giấu được nỗi buồn.
"Bà con về đây ở một thời gian rồi lấy lý do nơi này xa khu làng cũ, nơi có đất đai, ruộng rẫy canh tác lâu đời của họ. Từ đây đến đó phải đi 6-7km đường rừng, khó khăn nên họ quyết định bỏ nhà mới, về làng cũ. Người này rủ người kia, cả khu bỏ đi luôn" - ông Tụ cho biết.
Ông Tụ khẳng định cả chục năm qua, địa phương liên tục tuyên truyền, kêu gọi người dân trở về sinh sống ở khu tái định cư, nhưng họ không nghe.
"Chúng tôi hỏi bà con có sợ lũ lụt, sạt lở trôi nhà không? Ở làng tái định cư, con cái đi học gần nhà, ai đau ốm cũng gần bệnh viện, cứu chữa kịp thời… Vậy nhưng, bà con không nói gì, vẫn quyết bám trụ ở làng cũ mà thôi" - ông Tụ lắc đầu tư lự.
Còn bà Y Thanh - chủ tịch UBND huyện Đăk Glei - cho biết thêm bên cạnh cái khó về việc đi lại đường rừng xa xôi mới đến nương rẫy canh tác, thì người dân còn kêu họ muốn về làng cũ vì nơi đó có không gian văn hóa truyền đời của đồng bào, họ xem như máu thịt rồi, nên chính quyền rất khó vận động.
Đánh giá lại dự án để tránh lãng phí
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 22-10, ông Nguyễn Ngọc Sâm - phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - nói rằng ông đã có ý kiến giao UBND huyện Đăk Glei chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum rà soát, đánh giá lại toàn bộ dự án khu tái định cư ở thôn Măng Rao.
Từ đó tham mưu đề xuất để tỉnh có chỉ đạo đưa dự án sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí đầu tư.
20 năm từ khi hình thành, đường sá khu tái định cư Bến Lức (phường 7, quận 8, TP.HCM) vẫn chưa xong hạ tầng. Khu đất được quy hoạch công viên, trường học giờ cỏ mọc cao hơn đầu người, thậm chí trở thành bãi tập kết rác.