Từ kiến thức nhà trường và qua quá trình tìm hiểu, sau nhiều năm mày mò, anh Phan Minh Tiến - giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) - đã tìm ra cách lấy mật hoa dừa nước, sản xuất loại nguyên liệu này thành nhiều sản phẩm cho giá trị kinh tế cao.
1ha dừa nước cho ra hàng tấn đường ăn kiêng
Trưa 21-10, dưới thời tiết nắng nóng nhưng anh Tiến vẫn hăng hái chỉ vào rừng dừa nước mọc hoang um tùm ở xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), cho biết trước đây dừa nước chỉ để lấy cơm dừa từ trái và lá. Tuy nhiên giờ lấy được mật, giá trị kinh tế từ loại cây này đã tăng mạnh.
Theo anh Tiến, dừa nước trồng 3 - 5 năm có thể khai thác được mật hoa trong thời gian kéo dài đến 50 năm. Cụ thể, sau khi cắt phần đầu hoa trái, nông dân để lại cuống và sẽ dùng tay gõ vào các cuống dừa như kiểu "massage" kích thích tiết mật.
Mỗi cuống dừa sẽ tiết ra khoảng 1 lít mật dừa nước tươi mỗi ngày và có thể lấy mật liên tiếp trong 30 ngày.
Mật sẽ được xử lý để tạo nhiều sản phẩm như đường ăn kiêng, nước mật tinh khiết... Trung bình 1ha dừa nước được khai thác mật và chế biến, mỗi năm có thể tạo ra hàng tấn đường dừa nước, trị giá hàng tỉ đồng.
"Cứ 8 - 9 lít mật dừa tươi sẽ cho ra 1 lít mật dừa nước cô đặc (đường), sản phẩm này có thể dùng như chất làm ngọt tự nhiên thay thế đường và mật ong, phù hợp cho cả người ăn kiêng.
Đặc biệt, mật dừa nước cô đặc có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 1 năm. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm này đi xa hơn, thậm chí xuất khẩu", anh Tiến nhận định.
Vietnipa đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP và sản phẩm từ mật hoa dừa đã có tại hơn 400 điểm bán trên toàn quốc, và có đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ.
Đại diện Vietnipa cho biết nhờ khai thác lấy mật dừa mà thu nhập của nông dân tăng lên gấp 10 - 12 lần so với trước, trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Dừa nước còn tạo nên một hệ sinh thái đa dạng dưới tán cây, cải thiện môi trường.
Tiềm năng còn rất lớn
Từ vườn dừa nước 1ha ban đầu, anh Tiến cho biết đã liên kết với các hộ sản xuất khác, nâng diện tích khai thác lên hơn 10ha. Tuy nhiên, chẳng là gì so với nguồn nguyên liệu sẵn có.
"Quỹ dừa nước tại huyện Cần Giờ đang có khoảng 900ha, phần lớn mọc hoang. Còn cả khu vực Tây Nam Bộ có thể trên 9.000ha. Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ mà tự nhiên ban tặng, nếu khai thác hiệu quả sẽ cho giá trị kinh tế lớn", anh Tiến tính toán.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, toàn huyện có 18 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó mật dừa nước của Vietnipa là sản phẩm OCOP 4 sao, và đây cũng là một trong các sản phẩm được huyện chú trọng hỗ trợ thúc đẩy phát triển để khai thác thế mạnh địa phương.
Mới lạ với cà phê yến sào
Bà Phan Ngọc Diệu - giám đốc quản lý nhà máy Công ty Yến Đảo Cần Giờ - cho biết hiện công ty thu mua yến của người dân để sản xuất ra nhiều mặt hàng như yến hủ nguyên chất, collagen yến sào, và mới lạ nhất là cà phê yến.
"Nguồn yến của Cần Giờ là nguồn yến xanh, yến sạch từ rừng sinh quyển nên chất lượng được đảm bảo, được nghiên cứu và kiểm định từ các chuyên gia. Đây là lợi thế lớn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển", bà Diệu nói.
Cần Giờ đang có hơn 500 nhà nuôi yến, với sản lượng bình quân 11 - 12 tấn/năm.
Hàng loạt sản phẩm OCOP của TP.HCM như yến đảo, mật dừa nước, bánh tráng... được chính quyền hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thị trường, trong đó có hoạt động cụ thể như mời người nổi tiếng livestream bán hàng.