Bất chấp các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống "domino xung đột" từ tâm điểm Dải Gaza, trung tướng Herzi Halevi - tham mưu trưởng của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) - vẫn khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiến vào Gaza".
3 lớp "màn sắt"
Theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, hiện IDF chỉ đang thực hiện giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn dự kiến nhằm "phi quân sự hóa" Dải Gaza.
Trong giai đoạn đầu tiên, các hoạt động không kích đồng loạt vào nhóm cơ sở hạ tầng quân sự trọng yếu của phong trào Hamas ở phía bắc Dải Gaza đã được thực hiện suốt hai tuần vừa qua.
Và để chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo, Israel đã tập trung hàng nghìn binh sĩ cùng hàng trăm xe tăng dưới sự hỗ trợ từ Lực lượng không quân Israel (IAF).
Kể từ thời điểm chiến sự bùng nổ ngày 7-10, Chính phủ Israel đã hoàn thành ba lớp "màn sắt" nhằm siết chặt sự cô lập Dải Gaza từ cả ba phía: biên giới Ai Cập, biên giới với Israel và biên giới Israel - Libăng.
Nhiệm vụ của hệ thống "màn sắt" này không chỉ nhằm phân tách các thành phần dân sự (có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo) ra khỏi khu vực chiến sự trọng điểm ở phía bắc Dải Gaza, mà còn góp phần làm suy yếu tối đa khả năng tiếp viện cả về nhu yếu phẩm lẫn khí tài và lực lượng chiến đấu từ bên ngoài vào trung tâm chỉ huy của phong trào Hamas.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã khẳng định Dải Gaza là mục tiêu trọng điểm của ba giai đoạn chiến tranh với Hamas, tuy nhiên những nỗ lực trong suốt hai tuần đầu cuộc chiến thực tế chỉ xoay quanh việc củng cố ba lớp "màn sắt" nói trên.
Đầu tiên chính là hoạt động tuyên bố phong tỏa toàn diện Dải Gaza đi kèm với việc huy động tối đa quân đội nhằm củng cố sự cô lập ở khu vực "màn sắt" sẵn có giữa Gaza - Israel.
Sau đó là quá trình phía Israel "kéo dài đàm phán" với các đối tác như Mỹ, Ai Cập và đại diện của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì nguyên trạng "màn sắt" ở cửa khẩu Rafah (nằm trên hành lang duy nhất kết nối Dải Gaza đến thế giới Ả Rập).
Phía Israel cũng duy trì hiện trạng viện trợ "nhỏ giọt" đến Dải Gaza khi chỉ mới cho phép 20 xe tải đầu tiên chở hàng nhân đạo đi qua cửa khẩu này kể từ sau chiến sự ngày 7-10, trong khi trung bình mỗi ngày trước đây cần đến 450 xe tải như thế đến Gaza mới đủ cho nhu cầu.
Và cuối cùng là quá trình trấn áp vũ trang nhằm tạo "bức màn sắt" ngăn không cho lực lượng Hezbollah tràn sang biên giới phía bắc Israel để hỗ trợ phong trào Hamas.
Ngoại giao tổng lực của thế giới
Quá trình củng cố hệ thống "bức màn sắt" mở rộng cùng với nỗ lực di tản dân sự quy mô lớn đã tạo ra một khu vực phía bắc Dải Gaza không chỉ bị cô lập toàn diện mà còn giảm thiểu khả năng vướng phải tội ác chiến tranh khi diễn ra cuộc chiến tổng lực trên bộ của IDF.
Tuy nhiên, nếu cuộc chiến trên bộ thực sự diễn ra dù chỉ duy trì ở "cường độ thấp" nhằm vào "các ổ kháng cự" của phong trào Hamas, như lời của Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã nói, thì khả năng kích hoạt chuỗi domino gồm bốn "vòng xoáy xung đột" rất có thể sẽ nổ ra.
Trong đó, chiến sự trên bộ ở Dải Gaza khả năng rất cao sẽ lập tức lan rộng đến "vòng xoáy trung tâm" thành chiến sự giữa Israel với mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm do lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) hậu thuẫn với các lực lượng tiêu biểu như Hezbollah ở Libăng, nhóm dân quân "Vì sự nghiệp giải phóng cao nguyên Golan" ở Syria và phong trào Houthi ở Yemen.
Sự tham chiến của mạng lưới ủy nhiệm này sẽ lập tức ảnh hưởng lên "vòng xoáy đệm" buộc hai hạm đội tàu sân bay của Mỹ USS Gerald R. Ford và USS Dwight D. Eisenhower ở bờ đông Địa Trung Hải và nhóm sáu tàu hộ tống của Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ ở vịnh Oman có thể phải lập tức can dự.
Khi đó, xu hướng phản đối Israel ở thế giới Ả Rập thuộc vùng Vịnh sẽ dâng cao, tạo bất ổn tăng cường tại "vòng xoáy rìa". Và cuối cùng là xu hướng Mỹ cùng đồng minh đổ dồn lực lượng về hai "điểm nóng" ở Đông Âu (Ukraine) và Tây Á (Dải Gaza) sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực ở các điểm nóng còn lại thuộc "vòng xoáy ngoại vi" như xung đột Armenia - Azerbaijan, hay xa hơn là eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.
Có thể thấy sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ở Jerusalem, của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ở cửa khẩu Rafah (Ai Cập), của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và toàn bộ lãnh đạo Hiệp hội ASEAN ở khu vực vùng Vịnh dường như đang tạo nên một nỗ lực ngoại giao tập thể để giữ ổn định cho cả ba vòng xoáy "trung tâm", "đệm" và "rìa".
Ở xa hơn, nhóm động thái Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian mời người đồng cấp Armenia và Azerbaijan tham dự đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao 3+3 ở Tehran, chuyến thăm viếng Triều Tiên của Ngoại trưởng Nga Lavrov và việc triển khai kế hoạch hội nhập kinh tế Phúc Kiến - Đài Loan của Trung Quốc đều giúp ổn định các điểm nóng còn lại thuộc "vành đai ngoại vi".
Có thể nói đây là thời điểm quan trọng thử thách khả năng ngoại giao tổng lực của cả thế giới nhằm sẵn sàng cho các kịch bản domino phức tạp từ tình huống Israel vượt "giới hạn đỏ" ở Dải Gaza.
Ngày 22-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo chống lại bất kỳ "sự leo thang" nào ở Trung Đông sau xung đột Israel - Hamas.