Những tranh luận năm nay cũng như trong một số năm gần đây về việc công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) về cơ bản vẫn tập trung vào vấn đề nổi bật như công bố bài báo quốc tế uy tín, giao cho trường đại học công nhận GS, PGS và một số ý kiến khác.
Quy trách nhiệm cụ thể
Nghĩa gốc của "professor" có nghĩa là "người dạy một chuyên ngành tri thức". Nhiệm vụ của GS về cơ bản bao gồm: giảng dạy ở các cấp độ từ cử nhân tới sau đại học; nghiên cứu và công bố các công trình khoa học; phục vụ cộng đồng như tư vấn, phát biểu, bình luận chuyên gia trong các chương trình công cộng xã hội; thực hiện các công tác quản lý ở cấp khoa, bộ môn, trung tâm hoặc cao hơn.
Để công nhận giáo sư và PGS, kinh nghiệm quốc tế thường tiến hành quy trình hai bước như sau: đánh giá (assessment/judgement) và công nhận (recognition/legitimation). Đánh giá được tiến hành về các khía cạnh học thuật (scholarly), bằng cấp (formal qualifications) và tổ chức (organizational).
Công nhận bao gồm các khía cạnh bỏ phiếu quyết định nhất trí (unanimous decisions), đánh giá của phía thứ ba từ đồng nghiệp (third-party endorsements by peers) và công khai (transparency).
Dễ nhận thấy rằng tiêu chuẩn về công bố bài báo quốc tế uy tín chỉ là một phần nhỏ trong các nhiệm vụ của GS và là một nội dung trong đánh giá học thuật. Song vì đây là nội dung mới và nằm trong xu thế quốc tế nên dường như được chú ý nhiều hơn.
Đó là chưa nói đến hệ thống các dữ liệu về công bố bài báo quốc tế uy tín cho đến nay được cho là đầy đủ, công khai, có định lượng rõ nhất nếu so với các dữ liệu khác như dạy học, phục vụ cộng đồng, quản lý...
iệc các thành phần xã hội dễ dàng tiếp cận dữ liệu tạo nên những đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về khía cạnh này và tiêu chuẩn công bố bài báo quốc tế uy tín đã trở thành tiêu điểm gần như độc tôn của dư luận khi bàn về công tác bổ nhiệm GS, PGS trong vài năm qua.
Trước hết phải thống nhất tạp chí có uy tín là các tạp chí có chỉ báo trong Scopus hoặc WOS, hoặc hệ thống dữ liệu uy tín khác do các hội đồng ngành công bố, đi kèm với thông tin về thời gian hiệu lực.
Thông tin về các "tạp chí săn mồi", "tạp chí giả"... chỉ có giá trị để tham khảo. Hơn nữa, trách nhiệm về "liêm chính" không nên được đề cập một cách chung chung mà cần được phân rõ ràng cho từng cấp: cấp ứng viên, cấp hội đồng cơ sở, cấp hội đồng ngành và cấp hội đồng nhà nước.
Cụ thể, nếu hội đồng cơ sở phát hiện ra "sự không liêm chính" thì trách nhiệm cần quy về cho ứng viên, nếu hội đồng ngành phát hiện thì trách nhiệm quy về cho hội đồng cơ sở, tương tự như vậy cho tới hội đồng nhà nước.
Cùng với việc quy trách nhiệm về "sự không liêm chính", cần có các hình thức trách phạt tương ứng đối với ứng viên, phản biện, chủ tịch các hội đồng cơ sở, ngành...
Hai mô hình
Theo thông lệ quốc tế, có hai mô hình chính là hội đồng cấp quốc gia công nhận (phổ biến ở các quốc gia châu Âu như Pháp, Nga...) và trường đại học công nhận (phổ biến ở các quốc gia Bắc Mỹ như Mỹ, Canada...).
Hiện nay Việt Nam đang đi theo mô hình đầu tiên với việc Hội đồng Chức danh GS nhà nước cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS hoặc PGS, rồi sau đó các trường đại học làm thủ tục bổ nhiệm (có thể không bổ nhiệm).
Mô hình hội đồng quốc gia công nhận chưa hoàn hảo thì đề xuất thay bằng mô hình trường đại học công nhận là dễ hiểu. Tuy nhiên có một số điểm cần trao đổi thêm. Thực ra việc trường đại học công nhận GS hoặc PGS là một trong nhiều nội dung của tự chủ đại học.
Tự chủ đại học ở Việt Nam là một vấn đề đang phát triển và đang trong giai đoạn khẳng định.
Còn rất nhiều thách thức lớn cần được giải quyết trước khi thực hiện việc công nhận GS, PGS.
Trong thực tiễn, một vài trường đại học tự chủ triển khai việc công nhận GS, PGS đã không thành công.
Tuy nhiên, nếu coi đây là một mô hình, ta cũng nên xem xét và triển khai ở mức độ thí điểm để có thể đưa ra những đúc kết cần thiết cho sự phát triển rộng rãi hơn.
Việc này nên được triển khai thí điểm ở những trường đại học có uy tín, đầy đủ năng lực về nguồn lực và đội ngũ, có mức độ tự chủ cao.
Trước mắt có thể thí điểm mô hình trường đại học công nhận GS, PGS ở các đại học quốc gia và đại học, bao gồm 7 trường, đó là 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng và 2 đại học.
Mặt khác, việc thực hiện mô hình hội đồng cấp quốc gia công nhận cũng cần có sự đổi mới hơn nữa ở một số khía cạnh. Ta dễ dàng nhận thấy rằng logic: hội đồng cấp quốc gia công nhận và trường đại học bổ nhiệm mà Việt Nam ta đang áp dụng là một bản sao chép lỗi.
Vấn đề là các hội đồng cơ sở (vốn là của một trường đại học nào đó) đề cử các ứng viên phần lớn hoặc thậm chí là toàn bộ giảng viên của trường, sau khi hội đồng nhà nước công nhận thì tiến hành bổ nhiệm.
Nhược điểm hình thức này đã bộc lộ rõ khi tuyệt đại đa số các ứng viên sau khi được công nhận đều được bổ nhiệm tại trường của mình. Chỉ có một hai trường hợp rất hy hữu không được bổ nhiệm.
Ở các nước theo mô hình hội đồng cấp quốc gia công nhận thường có tổ chức trung gian để các ứng viên đăng ký, và sau khi được hội đồng nhà nước công nhận, họ sẽ tìm trường đại học phù hợp để làm thủ tục bổ nhiệm.
Cần có đánh giá của phía thứ ba
Mô hình hội đồng cấp quốc gia công nhận, kể cả mô hình trường đại học công nhận (nếu có áp dụng thí điểm) cũng cần xem xét việc bổ sung hình thức đánh giá của phía thứ ba từ đồng nghiệp trong việc công nhận, bên cạnh hình thức bỏ phiếu và công khai.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hình thức này sẽ cung cấp một cách nhìn toàn diện, đầy đủ, có chuyên môn, một bổ sung hiệu quả cao để đánh giá về ứng viên GS, PGS.
Năm nào xét chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) cũng có điều tiếng, bất bình. Có nhiều điều bất ổn từ quan điểm chung đến tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, hội đồng mà những người tham gia cuộc chơi (thành công hay thất bại) đều thấy.