Trong phiên làm việc sáng nay, ngày thứ 7, hai đại diện VKSND Hà Nội nêu quan điểm đối đáp luật sư, bị cáo và các bên liên quan về 4 vấn đề: kết luận giám định, cách tính thiệt hại vụ án, tội danh truy tố và trách nhiệm bồi thường 460 tỷ đồng thuộc về ai?
Thứ nhất, về giám định, các luật sư và nhà thầu cho rằng khi xác định mức độ thiệt hại của đường chỉ cần sử dụng "phương pháp không phá hủy, chỉ cần đo modul đàn hồi trên mặt đường". Việc giám định viên sử dụng phương pháp kết hợp là "không hợp lý".
Với vấn đề này, kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thị Hồng Vân cho hay bà tham gia vụ án từ giai đoạn tin báo, đi lại rất nhiều trên tuyến này nên nhận thấy mặt đường "luôn luôn có hiện tượng trải thảm mới, bong tróc, ổ gà suốt tuyến".
Hiện tượng thứ hai nổi lên, theo kiểm sát viên, là hằn lún vệt bánh xe. "Khi đã hằn lún, vệt bánh xe sau cứ đi theo đúng cái rãnh lún của xe trước, cứ như vậy tạo nên vết rất sâu", bà cho biết.
Tổng hợp cả tuyến 140 km, VKS cho hay có tổng 550 điểm ổ gà, bong tróc hư hỏng được phát hiện, sửa chữa, tức 254 m có một điểm.
Theo kiểm sát viên, những hư hại này không thể tìm ra nguyên nhân chỉ với phương pháp đo cường độ modul đàn hồi trên mặt đường mà phải tổng hợp 3 phương pháp: quan sát bằng mắt, không phá hủy và phá hủy (khoan lấy mẫu). Do đó, phương pháp của phía giám định là cần thiết, có căn cứ, đại diện VKS đánh giá.
"Kinh phí đầu tư vô cùng lớn, hơn 34.000 tỷ đồng. Đây là cao tốc loại A có tốc độ 120 km/h, thời hạn khai thác mặt đường 10 năm. Nhưng đường mới đưa vào sử dụng đã xảy ra rất nhiều hư hỏng", kiểm sát viên Hồng Vân đánh giá.
Với 550 điểm hư hỏng suốt dọc tuyến, VKS cho hay chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc - VEC) thông báo đến các nhà thầu. "Các nhà thầu đã nắm được, ký xác nhận và tiến hành sửa chữa, chứ không thể nói "không biết gì về hư hỏng"", kiểm sát viên phân tích.
Đại diện cơ quan công tố cũng phản đối ý kiến các luật sư cho rằng số tiền thu phí tuyến cao tốc này trong những năm qua đã lớn hơn nhiều so với tổng mức đầu tư, tức VEC đã "lãi" nhiều chứ không bị thiệt hại gì.
Kiểm sát viên Hồng Vân phân tích: Tổng đầu tư với tuyến đường 72 km, TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, là trên 12.000 tỷ đồng. Trong khi báo cáo của VEC nêu, tổng số tiền thu phí tới thời điểm hiện tại mới khoảng 2.500 tỷ đồng, tức khoảng 38% mức đầu tư.
Nêu quan điểm tranh luận những ngày qua, phần lớn các luật sư cho rằng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (ITST) và Phân viện phía Nam của đơn vị này (ITSTS) không có chức năng giám định; giám định viên không đảm bảo, nội dung giám định không đầy đủ, chính xác và đề nghị bác kết luận này.
Với vấn đề này, kiểm sát viên Lê Tuấn Anh viện dẫn, ITSTS có chức năng giám định, giám định viên có đầy đủ điều kiện giám định tư pháp. Do đó, việc ban hành quyết định giám định tư pháp là có căn cứ đúng pháp luật.
Theo quyết định 4305 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải, ITST và ITSTS đều là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giao thông vận tải. Ba giám định viên trong vụ án đều có tên trong danh sách do Bộ trưởng Giao thông Vận tải ban hành trong quyết định 3892, năm 2016.
Đến nay chưa có quyết định thay thế hai quyết định này, do đó VKS khẳng định, ITSTS có quyền hạn, nghĩa vụ giám định. Các giám định viên có đầy đủ chức năng, quyền hạn giám định.
"Cơ quan Cảnh sát Điều tra có quyết định trưng cầu giám định tới ITSTS và 3 giám định viên là đúng thẩm quyền. ITSTS ra kết luận giám định theo quyết định trưng cầu này là hoàn toàn có căn cứ pháp lý. Nội dung kết luận giám định có căn cứ, đúng pháp luật", VKS nêu.
Vấn đề thứ hai, trước việc các luật sư và bị cáo cho rằng "một sai phạm nhưng bị xử lý 2 lần", VKS cho rằng nhận định này không đúng. Theo đó, với 6 bị cáo trong giai đoạn 1, hành vi bị xét xử lần này của họ "chỉ cùng phương thức thực hiện".
"Việc VKS tiếp tục truy tố các bị cáo này trong giai đoạn 2 là không vi phạm quy định tố tụng", kiểm sát viên Tuấn Anh nêu.
Cách tính hậu quả thiệt hại được VKS xác định bằng những hạng mục thi công công trình không đảm bảo mà VEC đã phải thanh toán cho nhà thầu và cho các hạng mục không đảm bảo, là 460 tỷ đồng, cũng là hậu quả vụ án.
Vụ án được VKS xác định có hậu quả đặc biệt lớn, trên 460 tỷ đồng. Thiệt hại này được xác định do hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng trong quá trình tổ chức thi công, nghiệm thu không đúng quy định pháp luật, đã chứng minh mối quan hệ nhân quả hành vi và hậu quả thiệt hại, theo VKS.
"Theo chế tài luật hình sự, những người nào gây ra hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, VKS giữ nguyên quan điểm, các bị cáo phải liên đới bồi thường", kiểm sát viên khẳng định.
Giải thích việc yêu cầu các bị cáo bồi thường song đồng thời vẫn yêu cầu cả 5 nhà thầu bồi hoàn, VKS cho hay nhà thầu đang sử dụng tiền được VEC thanh toán, nên với các gói thầu có người của nhà thầu phạm tội thì nhà thầu phải có trách nhiệm bồi thường cho VEC số tiền đó.
"Nhà thầu có quyền đòi các bị cáo trả lại tiền cho nhà thầu, bằng một vụ án dân sự khác", VKS nêu.
Trong những ngày xét xử trước đó, cả đại diện VEC và 5 nhà thầu đều kiến nghị, nếu có thiệt hại, các nhà thầu sẽ bồi thường cho VEC, không yêu cầu các bị cáo bồi thường. Tại giai đoạn 1 của vụ án, tòa cũng đưa ra phán quyết, không yêu cầu 36 bị cáo bồi thường, dành quyền cho VEC khởi kiện các nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại trong một phiên tòa dân sự khác.
Bị cáo: Được làm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một vinh dự
Chiều nay, sau ba lượt đối đáp, phía VKS và luật sư không thay đổi quan điểm, do đó chủ tọa công bố kết thúc phần tranh luận.
Nói lời sau cùng, cựu tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám dành lời đầu để xin lỗi Đảng, Nhà nước đã đào tạo bồi dưỡng giúp đỡ ông trong quá trình học tập, làm việc song hôm nay ông đứng tại tòa.
Ông nhận toàn bộ trách nhiệm, nhưng cho hay không có vụ lợi cá nhân. Ông xin giảm án cho 21 bị cáo còn lại bởi đánh giá họ đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiệt tình lăn lộn ngoài công trình để hoàn thành cao tốc đúng tiến độ như cam kết với nhà tài trợ quốc tế.
"Họ không thể nào ngờ rằng trước đó từng vui mừng vì hoàn thành nhiệm vụ nhưng hôm nay đứng đây, nói những lời sau cùng tại phiên toà".
Cấp phó của ông Tám, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng đếm được "đã hơn 650 ngày trôi qua từ khi tôi nói lời sau cùng trong vụ án giai đoạn 1". Từ đó đến nay, ông luôn trăn trở, hối hận nhiều.
Ông Hùng nhận mình và 21 bị cáo đều là những "con người kỹ thuật" rạch ròi đúng sai nên "thường cứng nhắc, khô khan" nhưng "tự hào, dân kỹ thuật chỉ biết say mê làm".
Là một trong 6 cựu cán bộ VEC bị xét xử trong cả 2 giai đoạn, ông Hùng chia sẻ 36 bị cáo thuộc giai đoạn 1 và 22 bị cáo ở giai đoạn 2 đều coi việc được làm dự án cao tốc trọng điểm quốc gia là một vinh dự trong đời. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nên ông và đồng nghiệp chỉ mong thực hiện nhiệm vụ, sớm đưa cao tốc vào khai thác mang lại hiệu quả phát triển đất nước. Theo ông, hiệu quả của nó đã được minh chứng, mang lại những lợi ích không đong đếm được.
"Dù đã cố gắng hết mức, nay chúng tôi vẫn sai, vẫn đứng đây, nói lời sau cùng đến lần thứ hai", ông Hùng mong tòa đưa phán quyết khoan hồng nhân đạo, "đặc biệt 6 anh em đã bị xét xử đến lần thứ hai". Theo ông, tất cả "hoàn toàn có mục đích trong sáng".
Cựu giám đốc chất lượng, nhà thầu thi công gói A4, bị cáo Đỗ Quốc Vượng bày tỏ được tham gia làm cao tốc này "không chỉ là vinh dự mà còn là một dấu ấn của những người làm xây dựng như mình, muốn để lại cho đời". Ông nói dù đặc thù công việc vất vả, xa nhà, vợ con, cha mẹ không ai chăm sóc, nhưng bị cáo và các đồng nghiệp "luôn hết mình vì đất nước và công việc, không phút giây vụ lợi".
Trong thời gian nói sau cùng còn lại, nhiều bị cáo đã khóc và mong khi ra tù vẫn được sát cánh bên nhau trong những công trình của đất nước.
Tòa đánh giá vụ án nhiều tình tiết phức tạp, cần nghị án dài ngày. Dự kiến, sáng 27/10, HĐXX sẽ tuyên án.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.0667664-gnoh-uh-iagn-gnauq-gnan-ad-cot-oac-teib-gnohk-ion-gnud-uaht-ahn-skv/ten.sserpxenv