Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới có đến hơn 90% dự án thất bại từ trong trứng nước hoặc gặp nhiều khó khăn trong 3 năm đầu khởi nghiệp. Với đại đa số start-up, những thất bại giai đoạn đầu khởi nghiệp trở thành bài học quý giá góp phần làm nên thành công cho các dự án sau này.
Kiên trì khởi nghiệp
Chị Mai Thị Thu Trang, đồng sáng lập Công ty Cổ phần K Products (K Products), là một start-up trẻ vừa xuất khẩu nhiều đặc sản Việt Nam dạng tiện lợi sang Nhật. Trước khi bán được hàng sang Nhật, chị Trang từng mất vốn trong lần khởi nghiệp đầu tiên.
"Khi đó, tôi còn là du học sinh tại Nhật, nhận thấy việc mua thực phẩm Việt Nam còn khó khăn, hàng Việt xuất khẩu sang Nhật có giá bán cao gấp nhiều lần, chúng tôi về Việt Nam, vào siêu thị mua các loại mì gói, nước tương, nước mắm đóng đầy một container xuất sang Nhật.
Toàn bộ lô hàng trị giá 300 triệu đồng bị trả về với rất nhiều chi phí liên quan vì không đáp ứng các điều kiện nhập khẩu" - chị Trang kể. Sự cố lần đó cho chị Trang bài học lớn là phải tìm hiểu quy định pháp luật, học hỏi người đi trước để không mất tiền oan uổng.
Anh Đỗ Thanh Tịnh, CEO Công ty TNHH Nội thất Tứ Hưng, từng trải qua nhiều lần mất trắng, thậm chí mang nợ vì làm ăn thua lỗ. Năm 2005, anh Tịnh thành lập doanh nghiệp (DN) chuyên giao báo tại nhà, bán sách và truyện thiếu nhi. Công việc thuận lợi, năm 2008 anh liên kết phát hành truyện tranh độc quyền nhưng công ty phải phá sản, mang nợ 300 triệu đồng vì tồn kho hơn 18.000 cuốn truyện tranh không bán được.
Ở lần khởi nghiệp thứ 2, anh Tịnh lập DN Tứ Hưng chuyên kinh doanh điện tử, điện gia dụng. Chỉ trong vòng 2 năm, 12 cửa hàng Tứ Hưng Mini Mart đã ra đời, đỉnh doanh thu năm 2011 đạt gần 30 tỉ đồng. "Do không có kinh nghiệm quản lý, cộng với tuổi trẻ háo thắng, tôi từ chỗ kinh doanh ổn định dần chuyển sang mất thanh khoản…, kết cục là phá sản lần 2 với số nợ gần 3 tỉ đồng" - anh Tịnh nhớ lại.
Lần khởi nghiệp thứ 3, rút kinh nghiệm từ 2 lần thất bại trước, anh tìm hiểu kỹ, học về kinh doanh online và chọn bán hàng nội thất online, tập trung vào phân khúc bình dân. Đến nay, nội thất Tứ Hưng có thị phần ổn định trên cả 2 kênh online và offline.
Từ câu chuyện của mình, anh Tịnh cho rằng DN khởi nghiệp cần lưu ý chọn đúng thị trường ngách để khai thác và chuyên tâm vào lĩnh vực mình đang làm tốt, không mạo hiểm tham gia lĩnh vực chưa có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, DN cần trang bị kiến thức về quản trị hàng tồn kho, quản lý nhân sự, quản trị tài chính… để kiểm soát, vận hành việc kinh doanh.
Cũng làm lại từ đầu vài lần trước khi phát triển thành công thương hiệu Fastship trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, Phạm Văn Hoàng, CEO Fastship, cho biết anh từng "đốt sạch" 500 triệu đồng chỉ sau 6 tháng nhập và phân phối nấm linh chi Nhật, mất trắng 2 tỉ đồng sau 1 năm nhận nhượng quyền thương mại một bưu cục. Học từ thất bại, Hoàng thành lập Fastship, quyết tâm làm lại từ đầu. Đến nay, Fastship với gần 200 bưu cục trên cả nước được đánh giá là một trong những DN vận chuyển có tiềm năng.
"Fastship đã phải đi qua rất nhiều khó khăn, có thời điểm lỗ nặng nhưng đang dần ổn định. Để khởi nghiệp thành công, start-up không chỉ có ước mơ, sự kiên trì, nỗ lực đến cùng với ước mơ đó mà cần có sự quan sát, nghiên cứu kỹ thị trường, chuẩn bị kỹ để tham gia thị trường và linh hoạt điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi trên thị trường. Ngoài ra, cần quản lý tốt dòng tiền để mang lại hiệu quả" - Hoàng chia sẻ.
Để thành công, start-up cũng phải trải qua nhiều sai lầm. Trong ảnh: Phiên chợ khởi nghiệp xanh giúp start-up tiếp cận người tiêu dùng, điều chỉnh sản phẩmẢnh: AN NA
Còn nhiều hạn chế
Làn sóng khởi nghiệp, thành lập DN ở Việt Nam được ghi nhận là sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thất bại của nhóm DN này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Hầu hết DN có tinh thần khởi nghiệp rất cao nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị DN. Nhiều DN phải đóng cửa vì không đủ vốn để nuôi dự án và vận hành sản xuất - kinh doanh. Nhiều DN có năng lực tài chính tốt nhưng không biết cách quản trị tài chính, thiếu tầm nhìn chiến lược lẫn tư duy về thị trường.
"Các DN khởi nghiệp của Việt Nam có khá nhiều ý tưởng hay, độc đáo nhưng thiếu hoạch định và chiến lược kinh doanh khả thi. Chính điều này đã dẫn đến dự án chết yểu ngay trong 1 - 2 năm đầu. Vì vậy, ngoài nỗ lực của các start-up, rất cần vai trò hỗ trợ của nhà nước" - TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương, bày tỏ.
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo DN (Viện 3AI), chỉ ra rằng phần lớn start-up thất bại do đưa ra những sản phẩm thị trường có nhu cầu rất ít, thậm chí là không có nhu cầu.
Tiếp theo là thiếu vốn, nhất là thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, DN khởi nghiệp càng dễ phá sản do không gọi được vốn ở những thời điểm then chốt. Gần đây, phát sinh thêm vấn đề dự án thất bại do lỗi của người tư vấn.
Cũng theo ông Tuấn, có những dự án rất tiềm năng, được nhà đầu tư "thiên thần" rót vốn lớn nhưng vẫn thất bại vì cái tôi của người sáng lập quá lớn, không chịu học hỏi. Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, có rất nhiều dự án khởi nghiệp nhưng ít có tính đổi mới sáng tạo, phần lớn chỉ sơ chế, đóng gói sản phẩm sẵn để bán. Nếu có chế biến thì công nghệ còn thấp, loay hoay chế biến sản phẩm thành trà, mỹ phẩm với công dụng mơ hồ nhưng giá cao, gặp lúc thị trường ảm đạm như hiện nay càng nhanh phá sản.
Thiếu dự án lớn
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn nêu kinh nghiệm quốc tế, khởi nghiệp cần chọn việc khó, giải quyết vấn đề lớn thì thị trường rộng, khó sao chép. Trong khi đó, khởi nghiệp ở Việt Nam chủ yếu chọn việc dễ để bắt đầu nên không có nhiều dự án lớn. "Thực tế, tại nhiều cuộc thi khởi nghiệp gần đây có rất nhiều dự án mà người sáng lập rất lơ mơ về các kiến thức cơ bản. Trong đó có nhiều sản phẩm chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý vẫn được đưa ra kinh doanh, chủ DN tự tin khoe dự án có lãi nhưng sau khi chuyên gia tài chính phân tích thì phát hiện lỗ vì không biết tính hết các chi phí" - ông Tuấn phản ánh.
Xem thêm: mth.48603800222013202-iab-taht-ut-nel-gnud-teiv-pu-trats/et-hnik/nv.moc.dln