"Dân chúng tôi khổ quá rồi!"
Nguồn cơn của "cuộc khủng hoảng nước sạch" ở khu đô thị Thanh Hà bắt đầu từ việc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông (Công ty nước sạch Hà Đông) bị thiếu hụt nguồn cung, không cấp đủ sản lượng cho Công ty CP nước sạch Thanh Hà (Công ty Thanh Hà - đơn vị cấp nước sạch ở khu đô thị Thanh Hà).
Theo ông Dương Đức Trình, Phó giám đốc Công ty Thanh Hà, từ ngày 26.9 - 8.10, phía công ty "không nhận được một giọt nước" nào nên trong thời gian này đã tăng sản lượng khai thác nước ngầm tại chỗ. Công suất khai thác của nhà máy lên 1.500 m3/ngày đêm nhưng nước không đảm bảo chất lượng đã khiến hàng nghìn cư dân bị ảnh hưởng.
Tả lại cảnh tượng hãi hùng đó với lãnh đạo H.Thanh Oai cùng các phòng, ban và đơn vị liên quan, chị Trần Thị An (trú tòa HH03D, khu đô thị Thanh Hà) cho biết, ngày 5.10, nhiều người già đã ngã quỵ trong nhà tắm sau khi sử dụng nước sạch. Trẻ em thì mẩn ngứa, ảnh hưởng đường ruột sau khi dùng nước để sinh hoạt.
Chung cư Thanh Hà bị cúp nước: Người dân bọc nilon sọt nhựa để hứng nước 'tiếp tế'
"Đời sống tinh thần của cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đi làm về là đi tìm nước sạch; 1 - 2 giờ vẫn có bà con đi xin nước", chị An nói. Đáng chú ý, sau khi thấy cư dân đồng loạt bị cay mắt, khó thở, mẩn ngứa nghi do nước, ngày 6.10, cư dân đã lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Kết quả thử nghiệm mẫu nước từ Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thể hiện, hàm lượng amoni trong nước là 11,46 mg/lít, gấp 38,2 lần ngưỡng giới hạn cho phép; hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.
Theo ông Nguyễn Phúc Thịnh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 (khu đô thị Thanh Hà), do thiếu nước sạch nên cư dân xếp hàng đi xin từng xô nước. "Dân chúng tôi khổ quá rồi! Tôi đề nghị Công ty Thanh Hà phải nâng cao chất lượng nước sạch mới được phép cung cấp cho người dân chứ hàm lượng amoni như vậy thì chết đến nơi", ông Thịnh yêu cầu.
Trước sự khốn khổ của hàng nghìn cư dân vì thiếu nước sạch sinh hoạt, ngày 13.10, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu phía Công ty nước sạch Hà Đông phối hợp với các đơn vị liên quan điều tiết, bổ sung nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, với công suất tối đa khoảng 2.000 m3/ngày đêm.
Phía Công ty Thanh Hà có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà) nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình xử lý nguồn nước ngầm tại chỗ để đảm bảo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế; từ đó đảm bảo nguồn cung ổn định cho cư dân khu đô thị Thanh Hà. Thời hạn hoàn thành việc nâng cao chất lượng, quy trình xử lý là 3 tháng.
Có nước rồi… vừa dùng vừa lo
Sau cuộc họp của Sở Xây dựng Hà Nội, hàng nghìn cư dân khu đô thị Thanh Hà chuyển từ trạng thái bị ảnh hưởng sức khỏe khi dùng nước sạch sang trạng thái "khát" nước sạch vì Công ty Thanh Hà dừng khai thác nước ngầm tại chỗ. Trong khi đó, sản lượng nước từ Công ty nước sạch Hà Đông phân phối mỗi ngày khoảng 900 m3/ngày đêm, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu sử dụng nước sạch của 16.000 cư dân.
Trước thực trạng cư dân lỉnh kỉnh thùng nhựa, xô chậu xếp hàng thâu đêm hứng từng xô nước sạch về ăn uống, ngày 16.10, UBND H.Thanh Oai đã tổ chức cuộc họp khẩn với Công ty Thanh Hà, các đơn vị liên quan, đại diện các tổ dân phố và người dân nhằm tìm cách tháo gỡ.
Nêu giải pháp, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND H.Thanh Oai, cho biết sẽ làm việc với các đơn vị xem có khả năng nâng sản lượng cung cấp nước sạch về cho khu đô thị Thanh Hà không, nếu không sẽ cho khởi động lại nhà máy sản xuất nước ngầm trong thời gian ngắn.
"Trước mắt, phải sớm có nguồn nước đã, dù nguồn nước sạch hay chưa sạch. Tạm thời trong thời gian ngắn, nếu phía Công ty nước sạch Hà Đông không đủ cấp thì cần khởi động lại hệ thống nước ngầm. Về giải pháp căn cơ, sẽ đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo thành phố cho đấu nối đường ống nước sạch từ ngã ba Xa La (Q.Hà Đông, Hà Nội) về khu đô thị Thanh Hà", ông Khiển cho hay.
Và, nhiều ngày sau cuộc họp của H.Thanh Oai, cư dân ở khu đô thị Thanh Hà vẫn tiếp tục "khát" nước sạch. Do đó, nhiều nhà hảo tâm đã bỏ kinh phí mua xe téc chở nước sạch đến đáp ứng phần nào nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.
Chỉ đến khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo ngày 18.10, sản lượng nước sạch cấp về khu đô thị Thanh Hà mới bắt đầu được cải thiện. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến ngày 19.10, lưu lượng truyền tải nước sạch về khu đô thị Thanh Hà là 3.500 m3/ngày đêm.
"Với phương án vừa cấp bổ sung, vừa điều tiết cấp luân phiên cho các tòa nhà trong khu đô thị, ban quản lý sẽ cấp nước theo giờ để đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng tối thiểu cho tất cả cư dân", vị đại diện này cho hay.
Ngay tối 21.10, ngành y tế H.Thanh Oai đã phát đi khuyến cáo cư dân tạm thời không ăn uống trực tiếp nước sạch tại vòi, hệ thống trong khu đô thị Thanh Hà vì kết quả lấy mẫu xét nghiệm 10 ngày trước đó thể hiện trong nước có nhiễm vi khuẩn E.coli. Dự kiến, kết quả chỉ số asen sẽ có vào ngày 23.10. Sau khi có kết quả xét nghiệm nước sạch, H.Thanh Oai sẽ công khai đến toàn bộ người dân.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trước lo ngại chất lượng nước sạch bị ảnh hưởng khi lưu thông qua hệ thống bể chứa của khu đô thị Thanh Hà, nhiều cư dân vừa dùng, vừa lo, chưa dám sử dụng nước sạch để ăn uống trực tiếp; đồng thời, tiếp tục mua nước sạch đóng bình hoặc đợi nước sạch từ xe téc của các nhà hảo tâm.