vĐồng tin tức tài chính 365

Thủ tướng: Năm 2023, ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

2023-10-23 10:52

Tại phiên khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV sáng nay 23-10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Những kết quả nổi bật

Thủ tướng cho hay bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2023 có nhiều khó khăn thách thức cả ở trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp… kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

“Trên cơ sở kết quả của chín tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.

thu-tuong-pham-minh-chinh.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại phiên họp sáng 23-10.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung chín tháng đạt 4,24%.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra là khoảng 6,5% nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Trong đó đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng được chú trọng.

Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện quyết liệt.

“Trong đó, tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” - Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Một số mặt hạn chế

Tuy nhiên, theo Thủ tướng nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài.

“Sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ…” - Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó là tình trạng tiếp cận tín dụng còn khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng; Các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; du lịch quốc tế phục hồi chậm.

Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy ở một số nơi còn chậm, còn một số bất cập; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…

thu-tuong-pham-minh-chinh2.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo. Trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát, việc tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động. Tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách vẫn là khâu yếu.

“Một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền. Việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới” – Thủ tướng nói.

Đoàn kết để vượt khó

Từ những phân tích cụ thể trên, Thủ tướng chỉ rõ năm bài học kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, bài học đầu tiên là cần quán triệt, nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Thứ hai là nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, quyết tâm cao, đổi mới sáng tạo. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài.

khai-mac-ky-hop-6.jpeg
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV diễn ra sáng nay 23-10

Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Thứ tư, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuối cùng, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

“Trong đó, lưu ý kinh nghiệm quan trọng là phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cả nước sẽ tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường: Tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%...

Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%, bội chi NSNN dưới 4% GDP.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Xem thêm: lmth.028757tsop-ar-ed-ueit-cum-touv-av-tad-ueit-ihc-5101-tahn-ti-3202-man-gnout-uht/nv.olp

“Thủ tướng: Năm 2023, ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools