Trên cơ sở các chủ đề chính gồm củng cố khả năng chống đỡ của nền kinh tế, đảm bảo thực hiện các cải cách mang tính chuyển đổi, và thúc đẩy hợp tác trên phạm vi toàn cầu, Hội nghị thường niên IMF/WB năm 2023 tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến nâng cao khả năng chống đỡ, đảm bảo ổn định kinh tế, tài chính, kiểm soát lạm phát, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo công bằng, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, số hóa và hợp tác quốc tế.
Hội nghị cũng thảo luận về việc cải tổ hai tổ chức IMF và WB trong bối cảnh thế giới thời gian gần đây liên tục đối mặt với khủng hoảng gây ra bởi dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh xung đột, biến động kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế toàn cầu. Với IMF, các cải cách tập trung vào việc củng cố nguồn lực cho Quỹ để đảm bảo khả năng hỗ trợ các nước hội viên ứng phó và khắc phục hậu quả của khủng hoảng, cải cách các thể thức hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ, và tăng cường vai trò giám sát kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Tại phiên họp toàn thể, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF đã đề xuất hai ưu tiên cho các nhà hoạch định chính sách trong thời gian tới, theo đó, một là đầu tư vào nền tảng kinh tế vững mạnh - đặc biệt là giảm lạm phát, ổn định tài chính và cải cách chuyển đổi; hai là tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nợ, khí hậu và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, với IMF là trung tâm.
Với WB, Ngân hàng đang đứng trước những cải cách sâu rộng, trong đó bao gồm xác định lại tầm nhìn và sứ mệnh, củng cố năng lực cho vay và cải cách mô hình hoạt động nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển của WB trên phạm vi toàn cầu. Với tinh thần đó, Hội nghị Thường niên IMF/WB năm 2023 đã công bố văn bản quan trọng về Tầm nhìn và Cẩm nang Phát triển mới của WB, trong đó tập trung vào các định hướng lớn trong Chiến lược Phát triển WB cũng như cụ thể hoá các giải pháp về tài chính và mô hình hoạt động, hướng đến đạt được các mục tiêu phát triển của WB trên toàn cầu. Đặc biệt, Ngân hàng chia sẻ đã đưa ra các công cụ mới có thể cung cấp thêm 157 tỷ USD khả năng cho vay trong một thập kỷ, đồng thời đang nghiên cứu các khoản vay có thời hạn từ 35 đến 40 năm để giúp các quốc gia điều hướng tốt hơn các khoản đầu tư vốn xã hội và vốn con người dài hạn.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị bàn tròn giữa Thống đốc NHTW, Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Tổng Giám đốc IMF
Trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị bàn tròn Tổng Giám đốc IMF và Thống đốc NHTW, Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN, phiên họp Nhóm các nước Đông Nam Á IMF/WB, làm diễn giả tại Hội nghị “Một hành tinh đáng sống cho tất cả mọi người – Phụ nữ thúc đẩy quá trình số hóa: góc nhìn của Đông Nam Á”. Tại các sự kiện, Thống đốc đã nêu bật những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những tháng đầu năm, những đóng góp của NHNN vào kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế thông qua điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần quan trọng vào thành công chung của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Thống đốc cũng thông tin tới các đại biểu những chủ trương lớn của Chính phủ và NHNN trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, toàn diện, ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh số hóa, bình đẳng giới trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Cùng với đó, Thống đốc cũng tích cực đóng góp ý kiến vào những cải cách hoạt động của hai tổ chức IMF và WB.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva
Bên cạnh các sự kiện chính thức, Thống đốc cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các tổ chức IMF, WB, IFC. Tại cuộc gặp với lãnh đạo các tổ chức, Thống đốc đánh giá cao hỗ trợ cả về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách mà IMF, WB và các tổ chức trực thuộc dành cho Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với khủng hoảng và bất ổn toàn cầu, xử lý rủi ro liên quan đến khí hậu, đảm bảo ổn định và phát triển hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, toàn diện, số hóa và công bằng xã hội. Thống đốc đề nghị trong thời gian tới, IMF, WB, IFC tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ và NHNN trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững và toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức các hội thảo/sự kiện về những chủ đề mới, có tác động lớn tới hoạt động của nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Thống đốc cũng có các buổi tiếp Thống đốc NHTW Ma-rốc Abdellatif Jouahri và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin để bàn về vấn đề thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Hội nghị Thường niên IMF – WB năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25-27/10 tại Washington DC, Mỹ.
Đoàn NHNN tham dự Hội nghị Phụ nữ thúc đẩy quá trình số hoá
Thùy Linh (Vụ HTQT)
Xem thêm: 936875VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www