Các chuyên gia ước tính lực lượng Hamas có ngân sách hoạt động lên tới hàng trăm triệu USD.
"Hamas có hai cánh - dịch vụ xã hội và quân sự. Cánh dịch vụ xã hội đã rất tích cực gây quỹ và số tiền đó chắc chắn được chuyển qua quân đội", trang tin Business Insider dẫn lời ông Victor Asal, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách (CPR - Ấn Độ) kiêm giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Albany ở New York (Mỹ).
Tổ chức từ thiện ngụy trang
Trong lịch sử, các tổ chức từ thiện liên kết với Hamas có mục đích cung cấp số tiền cần thiết cho người dân Dải Gaza đang gặp khó khăn có thể tiếp cận lương thực và chăm sóc y tế.
Một số quỹ vẫn duy trì mục tiêu này, nhưng cũng có một số quỹ khác - có trụ sở chính bên ngoài Gaza hoặc đôi khi ở các nước phương Tây - lại là bình phong cho các hoạt động quân sự của Hamas, theo Business Insider.
Năm 2003, Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ ra 5 tổ chức từ thiện khác nhau - có trụ sở tại Anh, Thụy Sĩ, Áo, Lebanon và Pháp - là các tổ chức khủng bố vì ủng hộ Hamas.
Năm 2009, Bộ Tư pháp Mỹ kết án các nhà lãnh đạo của tổ chức từ thiện Hồi giáo ở Mỹ HLF vì hỗ trợ tài chính cho Hamas.
Để ứng phó với các cuộc đàn áp quốc tế nhằm vào các hình thức từ thiện nói trên, Hamas đã ít dựa vào phương thức gây quỹ này trong những năm gần đây.
Hỗ trợ từ Iran?
Ông Matthew Levitt, cựu chuyên gia phân tích tình báo chống khủng bố tại Cục Điều tra liên bang (FBI), nói với Business Insider rằng ngoài từ thiện thì hỗ trợ từ quốc tế, chủ yếu từ Iran, cũng chiếm lượng lớn trong ngân sách của Hamas. Ông Levitt ước tính Iran đóng góp 70-100 triệu USD mỗi năm cho lực lượng này.
Cũng theo ông Levitt, việc tài trợ cho Hamas đối với Iran mà nói không tốn kém về tài chính hay chính trị mà vẫn có thể làm suy yếu sự ổn định của Israel, trong khi vẫn duy trì ngoài mặt là không liên quan tới xung đột.
Hôm 8-10, ông Ghazi Hamad - người phát ngôn của lực lượng Hamas - xác nhận họ nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh Iran và một số bên khác để thực hiện cuộc tấn công vào Israel hôm 7-10. Tuy nhiên, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định Tehran không liên quan đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Israel từng cáo buộc Iran đã hỗ trợ cho Hamas khoảng 100 triệu USD mỗi năm, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2021 cho biết lực lượng Hamas nhận được tài trợ, vũ khí và đào tạo từ Iran cũng như một số nước Ả Rập ở vùng Vịnh.
Thuế, đầu tư và buôn lậu
Hồi tháng 9, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bị chỉ trích vì "rã băng" 6 tỉ USD doanh thu dầu mỏ của Iran, như một phần của thỏa thuận trả tự do cho các tù nhân. Có ý kiến cho rằng động thái của Washington đã giúp Iran có tiền để gửi cho Hamas trước cuộc tấn công vào Israel.
Tuy nhiên cả hai chuyên gia Asal và Levitt đều khẳng định số tiền từ thỏa thuận đó không liên quan nhiều đến leo thang mới nhất trong xung đột Israel - Hamas.
Trong khi đó, khả năng kiếm tiền của Hamas từ Dải Gaza mà họ kiểm soát cũng tăng lên. Ông Levitt cho biết Hamas giám sát "bất cứ thứ gì vượt qua biên giới của họ" và kiểm soát hoạt động kinh tế của khu vực.
"Khi có những đường hầm buôn lậu đào vào Ai Cập, Hamas đánh thuế chúng. Khi Qatar - với sự đồng tình của Mỹ và Israel - trả lương cho nhân viên chính quyền Gaza, Hamas cũng đánh thuế.
Bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Bất kỳ viện trợ nào đều có thể bị đánh thuế. Vì vậy nguồn thu nhập lớn nhất của Hamas gần đây không phải từ Iran, mà là từ lãnh thổ họ đang kiểm soát, có thể từ 300 - 450 triệu USD", ông Levitt cho hay.
Với số tiền thu được, Hamas đầu tư kinh doanh vào các tập đoàn bất động sản và xây dựng, cũng như công ty khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng ở Trung Đông và Bắc Phi.
Rửa tiền và tiền số
Theo chuyên gia Levitt, để lưu thông tiền, Hamas chủ yếu dựa vào giao dịch tiền kỹ thuật số và hoạt động rửa tiền thông qua thương mại.
"Thay vì gửi cho ai đó 100 USD, bạn gửi cho họ lúa mì, đường hoặc gạo trị giá 100 USD. Và vì lúa mì, đường và gạo cần được vận chuyển vào Dải Gaza nên sẽ không bị thắc mắc", ông Levitt nói.
Sau khi Israel tuyên chiến với Hamas, Mỹ cam kết viện trợ nhân đạo 100 triệu USD cho người Palestine. Tờ Wall Street Journal đã đưa tin số tiền này có thể rơi vào tay Hamas, do lực lượng này đang kiểm soát Dải Gaza.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho rằng cuộc chiến với Hamas có thể kéo dài 3 tháng, và kết thúc sẽ là Hamas bị xóa sổ.