Việc đặt tên tuyến phố trên nằm trong nội dung quyết định ngày 17-8-2023 của UBND TP Hà Nội về việc đặt tên cho 52 tuyến đường, phố mới tại thủ đô năm 2023.
Thiếu tướng Lê Vĩnh Thuộc - phó chính ủy Tổng cục II, Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Quang Hiếu - bí thư Quận ủy Hoàng Mai cùng đại diện gia đình Thiếu tướng Đặng Trần Đức dự buổi lễ gắn biển.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho rằng việc UBND TP Hà Nội quyết định đặt tên phố Đặng Trần Đức thể hiện sự tri ân, ghi nhận những công lao to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi chính thức được gắn biển tên Đặng Trần Đức, ông Hiếu đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì, tôn tạo để cho tuyến phố này ngày càng đẹp đẽ, khang trang.
Nhân sự kiện đặt tên đường, người đứng đầu Quận ủy Hoàng Mai cũng gửi lời cảm ơn tới anh linh của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng gia đình đã dành nhiều thời gian, tâm huyết và sự quan tâm trong việc xây nhà tưởng niệm cũng như đặt tên phố Đặng Trần Đức.
Phát biểu sau đó, Thiếu tướng Lê Vĩnh Thuộc - phó chính ủy Tổng cục II, Bộ Quốc phòng - gợi nhắc lại những chiến công, đóng góp lớn lao của Thiếu tướng Đặng Trần Đức đối với ngành tình báo quốc phòng.
"Việc gắn biển tên phố Đặng Trần Đức ngày hôm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm tôn vinh những đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta" - Thiếu tướng Lê Vĩnh Thuộc nói.
Đúng 10h ngày 23-10, đại diện Quận ủy, UBND quận Hoàng Mai; Tổng cục II, Bộ Quốc phòng đã chính thức gắn biển tên phố Đặng Trần Đức trước sự chứng kiến của đông đảo người dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Đặng Thị Chính Giang - con gái lớn của cố Thiếu tướng Đặng Trần Đức - bày tỏ sự xúc động và gửi lời cảm ơn, biết ơn tới sự tri ân của Đảng, Nhà nước, Tổng cục II và các cấp chính quyền thuộc quận Hoàng Mai khi đã quyết định lấy tên cha mình để đặt cho một tuyến phố tại Hà Nội.
Đồng thời bà Giang cũng bày tỏ sự biết ơn tới Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lúc sinh thời đã tâm huyết và thúc đẩy việc đặt tên tuyến phố kể trên.
"Có được như thế này gia đình rất biết ơn tất cả các cấp lãnh đạo và tâm huyết của chú Nguyễn Chí Vịnh cùng nhân dân phường Thanh Trì, cũng chính là quê của cha tôi. Thay mặt gia đình, chúng tôi gửi lời cảm ơn đầy trân trọng" - bà Giang nói.
Tuyến phố mang tên Thiếu tướng Đặng Trần Đức thuộc phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội), với điểm đầu từ ngã ba giao cắt phố Thanh Đàm đến ngã ba giao cắt tổ dân phố số 7 (trụ sở Công an phường Thanh Trì) với chiều dài 350m.
Tuyến đường đi qua công an phường, trạm y tế phường, trường mầm non, tiểu học và có khoảng 68 hộ dân. Dự kiến sau khi hoàn chỉnh theo quy hoạch, tuyến phố trên sẽ kéo dài đến phố Vĩnh Hưng (phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai).
Thiếu tướng Đặng Trần Đức sinh năm 1922, quê ở Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội), nhập ngũ tháng 5-1949 với bí danh Ba Quốc.
Hơn 20 năm hoạt động trong lòng địch, nhà tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (còn gọi là ông Ba Quốc) đã thực hiện nhiều điệp vụ khó khăn: giải cứu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khỏi mật vụ, hay cứu Quốc vương Norodom Shihanouk khỏi âm mưu ám sát...
Ngày 6-11-1978, ông Đặng Trần Đức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông mất năm 2004, hưởng thọ 82 tuổi.
Cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lúc sinh thời đã viết cuốn sách "Người thầy" dưới dạng hồi ức về người thầy tình báo của ông - Thiếu tướng Ðặng Trần Ðức.
Với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông Ba Quốc là "người thầy kiệt xuất, vừa nghiêm khắc, vừa ân cần, dạy dỗ tôi nên người khi mới bước chân vào ngành tình báo, đến khi ông mất 20 năm sau đó".
Sáng 23-8, UBND TP.HCM tổ chức buổi lễ đổi tên xa lộ Hà Nội (đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến cầu Sài Gòn) thành đường Võ Nguyên Giáp.