vĐồng tin tức tài chính 365

Đà Lạt nên mạnh dạn thí điểm các mô hình kinh tế ban đêm

2023-10-23 16:05
Ban đêm đi đâu ở Đà Lạt? Đa số chỉ hướng đến chợ Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Ban đêm đi đâu ở Đà Lạt? Đa số chỉ hướng đến chợ Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Sau đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam từng bước hồi phục nhưng còn chậm. Một vấn đề đặt ra cho du lịch Đà Lạt trong giai đoạn hiện nay là cần gắn kinh tế ban đêm với phát triển du lịch.

Kinh tế đêm Đà Lạt là phiên bản Thái Lan?

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có kinh tế ban đêm để tạo điều kiện cho du khách vui chơi, tiêu xài thỏa thích, tránh tình trạng "chẳng biết chơi gì sau 22h vì hàng quán đóng cửa hết". 

Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng không nhất thiết phải như vậy. "Sau 22h đóng cửa là đúng rồi, chơi bời gì nữa giờ này", hay "Lúc nào cũng muốn học theo Thái Lan, để rồi đi du lịch Việt Nam hay là du lịch phiên bản Thái Lan"...

Chúng ta có thể hiểu du lịch đơn giản là đi đến vùng đất khác để tham quan, thăm thú, ăn chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng... Địa phương được du lịch phải đáp ứng được nhu cầu đó của du khách. 

Nhưng hiện nay ở Đà Lạt cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan. Các dịch vụ vui chơi, giải trí... cho du khách hết sức hạn chế. Đặc biệt, phát triển các dịch vụ về đêm cho du khách chưa được chú trọng.

Những người bạn của tôi làm du lịch thường đùa rằng: "Đà Lạt - thành phố 22h đóng cửa", hay "Đà Lạt của anh chán phèo, chẳng còn gì chơi sau 22h. Mới 21h30 khách đang ngồi nhậu thì nhân viên nhà hàng đã ra dọn bàn ghế".

Thật thế, Đà Lạt vài thập niên trước còn "buồn" hơn, vì mới 21h đường phố đã vắng hoe, hàng quán đóng cửa hết, chỉ còn chợ đêm Đà Lạt mở cửa nên du khách thật sự không có chỗ chơi đêm.

Chỉ một đoạn đường ngắn dọc chợ Đà Lạt nhưng thu hút được hàng nghìn du khách mỗi đêm - Ảnh: M.V.

Chỉ một đoạn đường ngắn dọc chợ Đà Lạt nhưng thu hút được hàng nghìn du khách mỗi đêm - Ảnh: M.V.

Không chỉ Đà Lạt, nhiều địa phương khác cũng thế, nếu có nhiều lắm là khu chợ đêm, hoạt động trong một phạm vi rất hạn chế và dịch vụ cũng không đa dạng. Tâm lý du khách ngoài tham quan, nghỉ dưỡng... còn thích khám phá địa phương hoặc vui chơi, giải trí... Thậm chí nhiều người muốn "xõa" thỏa thích để bù lại những ngày làm việc vất vả. 

Vì thế, nhà hàng, quán bar, quán karaoke, các khu vui chơi... đóng cửa sau 22h đồng nghĩa với việc địa phương tự đánh mất đi nguồn thu lớn từ du khách. Điều tai hại hơn là chúng ta sẽ không níu chân được du khách, người ta sẽ không muốn quay lại lần nữa.

Gần chỗ tôi ở, có một tiệm tạp hóa của người Hoa mở cửa suốt ngày đêm, bốn người trong gia đình chia ca ra bán. Có lần tôi hỏi anh con trai: "Bán ban đêm làm gì cho mệt?".

Anh nói: "Khu vực này nhiều khách sạn, đêm khuya nhưng khách vẫn hay ra mua bia, rượu, bánh kẹo các thứ... Mình đáp ứng nhu cầu của họ, vừa có thu nhập". Đó là một quan điểm kinh doanh, phục vụ đáng học hỏi.

Năm 2019, tôi sang Siem Reap - một thành phố nhỏ của Campuchia. Họ có khu kinh tế đêm phục vụ du khách hết sức sôi động. 

Tại Singapore, dù đảo quốc này nhỏ bé, các khu vực tham quan tự nhiên không nhiều, nhưng hoạt động dịch vụ đêm của họ thật tốt. Tại khu vực sông Singapore, trên bến dưới thuyền ban đêm hết sức tấp nập. 

Du khách có thể đi dạo trên thuyền ngắm phố đêm, thưởng ngoạn các công trình kiến trúc, có thể ghé vào các quán bar, nhà hàng đủ loại, đủ kiểu để thư giãn. Hoặc, khách có thể ghé xem nhạc nước, các chương trình nghệ thuật đêm, có thể vào các khu phức hợp để chơi bài hay tham quan, mua sắm...

Năm 2019, trước đại dịch COVID-19 bùng nổ, doanh thu từ du lịch Singapore lên đến 20,82 tỉ USD, trong đó chắc chắn có sự đóng góp vô cùng lớn từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ ban đêm.

3 rào cản kinh tế đêm

Kinh tế đêm rõ ràng rất quan trọng trong phát triển du lịch của đất nước nói chung, của Đà Lạt nói riêng. Vậy rào cản cho sự phát triển là gì? Theo tôi, có nhiều rào cản, nhưng có ba điều quan trọng.

Thứ nhất, chính quyền địa phương còn lúng túng trong quản lý các hoạt động về đêm, sợ mất an ninh trật tự địa phương.

Thứ hai, một số địa phương có hoạt động ban đêm, nhưng dịch vụ còn hạn chế, đơn điệu, chủ yếu tập trung vào ăn uống.

Thứ ba, tâm lý e ngại các hoạt động dịch vụ về đêm của cộng đồng cư dân bản địa, sợ ồn ào, mệt mỏi ảnh hưởng đến công việc hôm sau của mình.

Trung tâm Hòa Bình - chợ Đà Lạt đêm cuối tuần với đồng du khách - Ảnh: M.V.

Trung tâm Hòa Bình - chợ Đà Lạt đêm cuối tuần với đồng du khách - Ảnh: M.V.

Anh bạn làm du lịch của tôi nhận xét: "Đà Lạt nên tổ chức các tour tham quan đêm ở nhà ma và các trải nghiệm đêm khác. Cần cho cộng đồng dân cư địa phương được tham gia và thấy lợi ích từ hoạt động kinh tế ban đêm, có ý thức cùng chính quyền thực hiện và quản lý tốt hoạt động kinh tế đêm".

Điều quan trọng, chúng ta không phải "bắt chước" Thái Lan hay Singapore, mà là học tập những điều tốt từ họ để xây dựng mô hình kinh tế ban đêm phù hợp với thành phố Đà Lạt.
Phan Văn Bông, hiệu phó Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Khách đi du lịch không có khái niệm "khuya rồi về ngủ", mà là "mệt rồi về nghỉ", vì thế việc phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ kinh tế ban đêm làm sao phục vụ du khách tối đa để du khách được "mệt rồi về nghỉ", khi rời địa phương vẫn nhớ từng thâu đêm, suốt sáng và hẹn lần sau trở lại.

Để kinh tế ban đêm thực sự trở thành "ánh sáng" cho du lịch Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung, chính quyền và người dân cần phải thay đổi nhận thức, mạnh dạn thí điểm từng bước các mô hình của kinh tế ban đêm, để đến lúc nào đó du khách không chỉ biết đến Đà Lạt là "Thành phố ngàn hoa", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố di sản"... mà còn là "Thành phố không ngủ".

Phát triển kinh tế ban đêm ra sao để không làm xáo trộn Đà Lạt?

Theo chúng tôi, Đà Lạt cần chú ý: Quy hoạch, xây dựng hoạt động kinh tế ban đêm ở các địa phương một cách khoa học, không ảnh hưởng đến hoạt động chung của địa phương và cộng đồng dân cư địa phương; đa dạng hóa các loại hình kinh tế ban đêm, bên cạnh các dịch vụ ăn uống còn thêm các dịch vụ giải trí khác như nghệ thuật dân gian địa phương, tham quan đêm...

Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững

Nhằm tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất thực tiễn có tác động đến cảnh quan, trật tự, cải thiện chất lượng du lịch và xây dựng lại tình cảm trong lòng du khách, UBND TP Đà Lạt sẵn lòng lắng nghe những chia sẻ của người dân, các cơ quan chức năng và các chuyên gia từ chuỗi hoạt động trong diễn đàn "Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững".

Diễn đàn được tổ chức từ tháng này đến ngày 15-11-2023, với một chuỗi hoạt động gồm: cuộc thi viết dành cho các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước; trồng cây xanh cùng các nhóm tình nguyện, người nổi tiếng; tour tham quan những điểm đến xanh, bền vững, mới lạ tại Đà Lạt; hội thảo với chủ đề "Du lịch xanh và bền vững: Đà Lạt lắng nghe" với sự tham gia của các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các bộ, ngành và các công ty lữ hành, hàng không... cùng nhiều hoạt động trải nghiệm về thiên nhiên, ẩm thực, triển lãm ảnh và âm nhạc trong suốt thời gian diễn ra chương trình.

Báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được các bài viết và ý kiến đóng góp từ quý độc giả.

  • Thời gian: Từ tháng 10-2023 đến ngày 10-11-2023
  • Thông tin đăng tải trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online
  • Lễ trao giải kết hợp hội thảo để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận…

NỘI DUNG:

  • Ban tổ chức diễn đàn mong muốn nhận được những hiến kế, ý kiến đóng góp của bạn đọc, du khách khắp mọi nơi đã từng đến Đà Lạt, mong muốn cho Đà Lạt ngày càng tốt đẹp hơn;
  • Ý tưởng xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam và quốc tế về điểm đến, cảnh quan cũng như quy hoạch xây dựng đô thị;
  • Định hướng giúp Đà Lạt phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững cho tương lai;
  • Bên cạnh đó, báo Tuổi Trẻ sẽ ghi nhận thêm ý kiến, nhận định của các chuyên gia du lịch, các nhà quy hoạch kiến trúc về việc nghiên cứu phát triển du lịch Đà Lạt một cách bền vững, hướng tới bảo tồn, gìn giữ cho tương lai;
  • Cùng với đó là các mô hình, kiểu mẫu phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đã thành công ở các thành phố du lịch trên thế giới;
  • Những ý kiến hiến kế sẽ được tổng hợp và gửi tới lãnh đạo, cơ quan chức năng của thành phố Đà Lạt để cùng nhau xây dựng Đà Lạt ngày càng phát triển hơn.

HÌNH THỨC:

  • Bài viết tối đa 1.200 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng;
  • Bài thiết kế hình ảnh: từ 3 - 8 tấm, kèm chú thích;
  • Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (nếu là người nước ngoài);
  • Các bài, clip hiến kế sẽ được lựa chọn để đăng trên báo Tuổi Trẻ, diễn đàn… Các tác phẩm được chấm nhuận bút. Qua đó, ban tổ chức sẽ xét duyệt chấm giải và trao thưởng;
  • Bài dự thi, hiến kế chưa từng tham gia cuộc thi nào được tổ chức trước đây, không tham gia bất kỳ cuộc thi nào đang diễn ra, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội;
  • Người tham gia chịu trách nhiệm về bản quyền cũng như yêu cầu của ban tổ chức.
  • Bài dự thi gửi về địa chỉ email: hienkedulichdalat@tuoitre.com.vn.

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:

Ban tổ chức sẽ lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu để xét chấm các ý kiến góp ý, hiến kế chất lượng, có tính góp ý xây dựng cho du lịch Đà Lạt trong tương lai. Qua đó sẽ xét giải cho các bài chất lượng:

  • 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 1 giải nhì trị giá 7 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng + kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 10 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.
Mời bạn đọc hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững Mời bạn đọc hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững

Diễn đàn "Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững" do UBND TP Đà Lạt và báo Tuổi Trẻ tổ chức mời những người yêu thương xứ sở ngàn hoa đóng góp ý kiến thông qua cuộc thi viết, nhằm tìm ra những ý tưởng phát triển bền vững và thu hút thêm du khách.

Xem thêm: mth.19554139032013202-med-nab-et-hnik-hnih-om-cac-meid-iht-nad-hnam-nen-tal-ad/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đà Lạt nên mạnh dạn thí điểm các mô hình kinh tế ban đêm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools