Cùng khởi đầu từ gỗ, làm bất động sản
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã chứng khoán: HAG) gắn liền với tên tuổi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Doanh nghiệp này tiền thân là một phân xưởng nhỏ sản xuất đồ gỗ tại Gia Lai từ năm 1990, sau đó được thành lập thành Xí nghiệp tư nhân HAGL vào năm 1993.
Giai đoạn 2002-2012, công ty niêm yết cổ phiếu ở Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), chọn bất động sản là ngành chủ lực bên cạnh mảng kinh doanh khác là thủy điện. Công ty này cũng làm chủ nhiều dự án bất động sản ở TPHCM, dự án khách sạn du lịch ở Đà Nẵng, Bình Định..., thậm chí ở Myanmar.
Năm 2008-2009, bầu Đức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông cũng là cá nhân đầu tiên tại Việt Nam mua máy bay riêng. Đến năm 2010, ông bị ông Phạm Nhật Vượng "soán ngôi" giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Vào cuối năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, Việt Nam cũng chìm vào vòng xoáy. Hoàng Anh Gia Lai đã "bán tháo" một số dự án tại TPHCM với mức giá không tưởng như Hoàng Anh River View (quận 2), Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè).
Đến năm 2019, công ty bán hết cổ phần công ty HAGL Land (quản lý bất động sản), trong đó có dự án ở Myanmar. Công ty rút khỏi mảng bất động sản và cũng thanh lý luôn 2 doanh nghiệp thủy điện tại Lào.
Sau khi rút khỏi bất động sản, thủy điện, doanh nghiệp của Bầu Đức chọn gắn bó với nông nghiệp, trồng cây ăn trái, nuôi heo. Đến nay, công ty này chọn mô hình "2 cây, 1 con" là trồng chuối - sầu riêng và nuôi heo với kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 không dưới 2.000 tỷ đồng.
Đi sau bầu Đức vài năm, bà Nguyễn Thị Như Loan trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) cũng điều hành doanh nghiệp xuất phát từ gỗ, sau đó là bất động sản.
Quốc Cường Gia Lai được thành lập từ năm 1994, tiền thân là Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường với lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê, xuất nhập khẩu phân bón. Người con trai bà Loan là Nguyễn Quốc Cường (Cường "Đô La") cũng nhiều năm trong Hội đồng quản trị, giữ vị trí Phó Tổng giám đốc, trước khi rời đi vào năm 2018.
Ngoài gỗ, doanh nghiệp còn kinh doanh cao su, thủy điện. Năm 2007, doanh nghiệp được tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các dự án thủy điện Iagrai 1-2, Pleikeo, Anzyn Trung và 4.000ha cao su. Công ty này cũng mở rộng đầu tư vào bất động sản với nhiều dự án ở TPHCM, Đà Nẵng...
Như vậy, Quốc Cường Gia Lai gắn với các ngành nghề bất động sản, cao su, gỗ, thủy điện tại Gia Lai, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Vũng Tàu. Đến nay, công ty lựa chọn bất động sản là ngành nghề kinh doanh chính, các mảng khác đều đã bán hoặc đang lên kế hoạch thoái vốn.
Ngoài 2 doanh nghiệp nổi danh trên của Gia Lai, mảnh đất phố núi còn có một tập đoàn khác không thể không nhắc đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG).
Ban đầu, Đức Long Gia Lai là xí nghiệp tư doanh Đức Long Gia Lai, được thành lập vào năm 1995 với một ngành nghề là chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Doanh nghiệp có số vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng và 9.700m2 đất, một dây chuyền chế biến gỗ thủ công, bán tự động. Đến năm 2007, công ty chuyển sang đa ngành.
Ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT - sinh năm 1962, là người sáng lập doanh nghiệp. Ông Pháp là một trong những doanh nhân đầu tiên tại Việt Nam sở hữu cùng lúc 2 đội bóng chuyền Đức Long Quân khu 5 và ĐLQL. Trong đó, đội bóng chuyền ĐLQL liên tiếp giành chiến thắng ở các giải Quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Tính đến 30/6, Đức Long Gia Lai có 5 công ty con, trong đó 1 công ty tại quần đảo Virgin Islands thuộc Anh. Những ngành nghề truyền thống của tập đoàn như sản xuất và chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, resort, khai thác và chế biến khoáng sản, dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ…
Trong giai đoạn 2020-2025, tập đoàn này tập trung chủ lực vào 4 lĩnh vực trọng tâm: bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử.
Con đường kinh doanh gập ghềnh
Cùng là những doanh nghiệp nổi danh đất Gia Lai, đi từ gỗ, bất động sản, đến nay bức tranh chung của 3 đại gia Gia Lai trên đều có một điểm chung không mấy khởi sắc.
Bán các dự án bất động sản, Hoàng Anh Gia Lai chuyển sang làm nông nghiệp từ năm 2012 (trồng mía, đường, cao su...). Tuy nhiên, dự án cao su thất bại là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp của Bầu Đức chìm trong nợ nần. Giai đoạn 2015-2016, nợ vay vượt mức 27.000 tỷ đồng. Trong nhiều năm sau đó, công ty luôn gặp vấn đề về dòng tiền kinh doanh và nợ vay/tổng tài sản chiếm tỷ trọng lớn 40-50%.
Một trong những biện pháp cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp là bầu Đức chọn bán công ty con - Công ty Nông nghiệp HAGL (HAGL Agrico) cho tỷ phú Trần Bá Dương (Thaco). Giao dịch này khiến Bầu Đức tự tin tuyên bố đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn vì nợ nần.
Tính đến ngày 30/6/2023, Hoàng Anh Gia Lai còn nợ ngân hàng khoảng 8.085 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%. Dư nợ trái phiếu tại BIDV là 5.271 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm. Tại ngày 30/6, Hoàng Anh Gia Lai chưa thanh toán lãi vay phải trả cho kỳ đến hạn thanh toán với tổng giá trị hơn 2,6 tỷ đồng.
Mới đây, HAGL cũng công bố tính đến ngày 30/9 đã chậm thanh toán 2.870 tỷ đồng tiền lãi và chậm thanh toán 1.157 tỷ đồng tiền gốc của lô trái phiếu trên. Công ty dự kiến thanh toán vào quý IV năm nay.
Lý do chậm thanh toán, theo Hoàng Anh Gia Lai, là chậm nguồn tiền dự kiến thu nợ từ Công ty nông nghiệp HAGL - HAGL Agrico (nay thuộc Thaco) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi từ công ty.
Để xử lý khoản nợ này, bầu Đức lên kế hoạch bán tài sản bất động sản cuối cùng - khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại Quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku, cạnh ngã tư Hùng Vương - QL19 - Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh.
Doanh nghiệp cũng đặt nhiều kỳ vọng vào chiến lược "2 cây, 1 con" trong thời gian tới, trong đó giá trị lớn nhất là sầu riêng. Bầu Đức gọi tương lai của Hoàng Anh Gia Lai là ở sầu riêng, chứ không phải chuối hay heo.
Công ty cho biết đang trồng khoảng 1.200ha cây sầu riêng, trong đó 700ha đã trồng đến năm thứ 4 và năm thứ 5, tức cuối năm 2024 có thể thu hoạch. Riêng năm nay công ty thu 3 vườn khoảng 1.000 tấn, tương đương 80ha.
Ngoài 700ha được thu hoạch từ năm 2024, lãnh đạo công ty cho biết năm 2025 sẽ thu hoạch 700-800ha, đến năm 2026 sẽ khai thác toàn bộ 1.200ha sầu riêng, đem lại nguồn thu lớn.
Còn ĐLGL, công ty đang dính vào vụ đối tác yêu cầu mở thủ tục phá sản và tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã chuyển hồ sơ vụ mở thủ tục phá sản đối với công ty này lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xử lý theo quy định.
Trong 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có sự trồi sụt. Lợi nhuận các năm 2019-2020 và 2022 đều âm, thậm chí năm 2022 lỗ sâu 1.197 tỷ đồng. Chi phí quản lý và chi phí lãi vay "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp.
Lợi nhuận không khởi sắc khiến công ty lỗ lũy kế hơn 2.042 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023, vượt vốn chủ sở hữu.
Lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho biết đã gửi đơn khiếu nại đến TAND tỉnh Gia Lai và TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị đình chỉ quyết định của TAND tỉnh Gia Lai. Đến nay, vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Với Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn chọn con đường phát triển theo ngành bất động sản. Tuy nhiên, 2 dự án Phước Kiển tại TPHCM từng được bà Loan đặt nhiều kỳ vọng đều gặp những vấn đề không như ý. Nhiều lần, trong các buổi họp cùng cổ đông, bà Loan khóc, bày tỏ "mất ăn mất ngủ" vì quá trình hoàn thiện pháp lý cũng như thưa kiện đối tác đòi quyền lợi.
Theo cập nhật mới nhất, dự án Phước Kiển 91,6ha thuộc xã Phước Kiển, Quốc Cường Gia Lai đã thắng kiện đối tác Sunny Island. Còn dự án Phước Kiển 32,4ha gắn liền với vụ án Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) bán đất công với giá rẻ được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM thống nhất đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, đồng thời xem xét trách nhiệm của Quốc Cường Gia Lai.
Kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai có phần ảm đạm trong nhiều năm trở lại đây. Nếu năm 2017, công ty lãi gần 400 tỷ đồng thì tới năm 2018, mức này là 97 tỷ đồng. Từ năm 2019 trở lại đây, lợi nhuận mỗi năm đều dưới 60 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, công ty lỗ gần 14 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản nhiều khó khăn, các yếu tố không thuận lợi từ các năm trước chưa được giải quyết như thủ tục hành lang pháp lý dự án còn chồng chéo, vẫn đang trong quá trình góp ý sửa đổi để hoàn thiện nên thủ tục các dự án đều không được giải quyết là những nguyên nhân doanh nghiệp giải trình về việc thua lỗ. Doanh nghiệp của đại gia phố núi một thời cũng thừa nhận công ty không có sản phẩm mới ra thị trường, không có công trình xây dựng để hợp tác.
Bên cạnh đó, về nguồn vốn, hầu hết các ngân hàng vẫn tiếp tục siết chặt nguồn cho vay, nhỏ giọt dư nợ cho vay đối với các giao dịch bất động sản, lãi suất tăng cao gây áp lực lớn cho khách hàng và doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản với nhiều yếu tố không thuận lợi như đã nêu với nhu cầu giao dịch bất động sản giảm mạnh, dòng tiền hạn chế, kéo theo doanh thu giảm cũng như lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai trong kỳ giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm: mth.97095629071013202-ial-aig-tad-aig-iad-3-auc-hnac-hnit/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad