Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định việc đấu giá quyền thuê đất mang lại nhiều lợi ích. Thông tin này được ông chia sẻ trong tọa đàm do báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức ngày 16/10.
Việc đấu giá quyền thuê đất làm giảm thất thoát tài sản công, giảm thiệt hại theo đúng tinh thần Quyết định số 360 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" của Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng cổ phần hóa bản chất là dịch chuyển từ Nhà nước sang đa sở hữu hoặc ra ngoài Nhà nước (nếu bán sạch vốn). "Vậy xử lý sở hữu quyền tài sản ra sao nếu doanh nghiệp không còn là sở hữu Nhà nước hay ra ngoài Nhà nước? Đây là vấn đề cần phải xác lập", ông nói.
Ông cũng nói đến câu chuyện làm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người bị thu đất, đặc biệt khi "chỉ một quyền sửa đổi thay đổi giá đất vài lần đến cả vài chục lần".
Một trong những nguyên nhân ông ủng hộ việc tách đặc quyền được thuê "đất vàng" ra khỏi tiến trình cổ phần hóa là vì nếu gắn đất đai với doanh nghiệp thì không khắc phục được động cơ phát sinh từ phía chủ thể (thực hiện cổ phần hóa) và khách thể (người đi mua).
"Với nhiều người động cơ là đất. Chuyển đổi mục đích là quyền lực của Nhà nước, nhưng lợi ích phát sinh là tiền lại rơi vào một số nhóm", ông Ánh đề cập. "Chỉ một thông tin quy hoạch, giá đất đã biến đổi rất nhiều", ông cho hay.
Ông Nguyễn Minh Phong ghi nhận những kết quả tích cực của tiến trình cổ phần hóa. Theo ông, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã làm ăn có lãi, đóng góp cho ngân sách và tạo nhiều việc làm; đồng thời, tạo ra được một "làn sóng" thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo cả về lượng và chất.
Cụ thể, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty của Nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.
Quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước không chi phối khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính hoặc có cổ đông lớn thiếu hợp tác. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa thời gian qua có không ít sai phạm cả về kinh tế, đất đai, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước…
Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện - nhấn mạnh cần bám sát mục tiêu cổ phần hóa đã đề ra. Cùng với đó, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.