Vụ việc tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) đang trở thành tâm điểm chú ý trong giới đầu tư. Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã chuyển hồ sơ vụ mở thủ tục phá sản đối với công ty này lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xử lý theo quy định.
Theo quyết định, trong 30 ngày kể từ 9/10, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản. Hết thời hạn 30 ngày, tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến quyết định này, lãnh đạo Đức Long Gia Lai, cho biết đã gửi đơn khiếu nại đến TAND tỉnh Gia Lai và TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị đình chỉ quyết định của TAND tỉnh Gia Lai.
Vụ việc này bắt đầu từ tháng 9, khi Đức Long Gia Lai bị Công ty cổ phần Lilama 45.3 gửi đơn lên tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo Đức Long Gia Lai, công ty này nợ Lilama 45.3 số tiền chiếm 0,3% tổng tài sản công ty (khoảng 18 tỷ đồng). Đức Long Gia Lai khẳng định khoản nợ trong khả năng thanh toán và công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
Ngoài ra, lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho biết đang thương thảo với Lilama 45.3 để thanh toán nợ. Công ty đang thực hiện việc trả nợ dần cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án, nhưng do tài khoản của Lilama 45.3 bị phong tỏa nên nhiều lần việc chuyển tiền đều bị chặn. Phải đến khi nhờ sự can thiệp của ngân hàng, vào ngày 12/10, công ty mới chuyển trả được tiền cho Lilama 45.3.
Đức Long Gia Lai - doanh nghiệp đình đám của Gia Lai
Đức Long Gia Lai là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của tỉnh Gia Lai, bên cạnh một số cái tên nổi đình đám khác như Hoàng Anh Gia Lai (gắn liền với "bầu" Đức) hay Quốc Cường Gia Lai (gắn liền đại gia Nguyễn Thị Như Loan). Công ty niêm yết cổ phiếu DLG lên sàn chứng khoán từ năm 2010.
Đức Long Gia Lai hoạt động đa ngành ở nhiều lĩnh vực như gỗ, bất động sản, phân bón, năng lượng tái tạo, linh kiện điện tử, thu phí BOT... Trong đó, doanh thu từ linh kiện điện tử và thu phí BOT chiếm phần lớn ở một vài năm gần đây.
Địa bàn hoạt động không chỉ ở Gia Lai mà khắp cả nước, mở rộng ra nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á. Các sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử còn xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu, Châu Mỹ.
Trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, hiện nay Đức Long Gia Lai có 3 nhà máy tại Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Công ty có kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện tại Khu công nghệ cao quận 9, TPHCM và hoàn thiện thủ tục để đầu tư 2 nhà máy tại Đà Nẵng, Bình Dương.
Về năng lượng tái tạo, công ty đã đầu tư và phát điện nhiều dự án thủy điện, điện mặt trời tại Lâm Đồng, Kon Tum. Ngoài ra, công ty còn triển khai đồng loạt thủ tục đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện ở Tây Nguyên, miền Trung, được Chính phủ và Bộ Công thương đồng ý đưa vào Quy hoạch điện VII hơn 600 MW. Số còn lại hơn 2.500 MW đang chờ bổ sung Quy hoạch.
Về bất động sản, tập đoàn đang chuẩn bị triển khai các dự án ở Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Về cơ sở hạ tầng, tập đoàn sở hữu 4 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 14 (con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên và nối Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ - Đông Nam Bộ.).
Trong 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có sự trồi sụt. Lợi nhuận các năm 2019-2020 và 2022 đều âm, thậm chí năm 2022 lỗ sâu 1.197 tỷ đồng. Chi phí quản lý và chi phí lãi vay "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp.
Lợi nhuận không khởi sắc khiến công ty lỗ lũy kế hơn 2.042 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023, vượt vốn chủ sở hữu.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ kiểm toán năm 2022, kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ về số tiền hơn 422 tỷ đồng doanh nghiệp trích lập dự phòng phải thu khó đòi từ một số tổ chức, cá nhân vay tại ngày 31/12/2022.
Đồng thời, kiểm toán cho rằng không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận việc trích lập dự phòng của Đức Long Gia Lai có đầy đủ theo khả năng thu hồi thực tế hay không.
Về vấn đề này, Đức Long Gia Lai cho biết đến thời điểm 15/8 (trước thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán soát xét) đã thu hồi đủ số tiền nói trên nên báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 không còn kết luận ngoại trừ bởi đơn vị kiểm toán. Tức là, công ty vừa thu hồi được hơn 422 tỷ đồng nợ khó đòi.
Lilama 45.3 lỗ 8 quý liên tiếp
Chủ nợ của Đức Long Gia Lai là Lilama 45.3 (mã chứng khoán: L14) có trụ sở chính tại Quảng Ngãi, hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng dân dụng và công nghiệp, lắp đặt thiết bị, gia công chế tạo kết cấu thép, xây dựng lắp đặt đường dây và trạm biến áp...
Doanh nghiệp được biết tới nhiều trong việc thi công các công trình như Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4, Dự án chống ngập do triều cường tại TPHCM giai đoạn 1, Dự án Gang thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Thái Bình và thủy điện Đăkre...
Trên báo cáo tài chính của Lilama 45.3 tại ngày 30/6, khoản nợ với Đức Long Gia Lai được ghi nhận đã quá hạn thanh toán là 31,4 tỷ đồng. Ngoài khoản nợ này, công ty còn một số khoản phải thu quá hạn khác như Công ty Gang Thép Thái Nguyên (34,5 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh của Lilama 45.3 cũng không mấy tích cực. Nửa đầu năm nay, công ty có doanh thu gần 3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm gần 10 tỷ đồng. Công ty đã lỗ 8 quý liên tiếp kể từ quý II/2021. Lỗ lũy kế tại ngày 30/6 gần 18 tỷ đồng.
Công ty có nợ vay tài chính ngắn hạn hơn 103 tỷ đồng, vượt 3 lần vốn chủ sở hữu. Tại ngày 30/6, doanh nghiệp chỉ có hơn 1 tỷ đồng tiền mặt, giảm 90% so với đầu năm.