Sáng nay (16/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm nay, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng dành nhiều thời gian để nói về việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ.
Theo bà Hồng, các báo cáo thẩm tra đã đánh giá toàn diện, chỉ rõ mặt được, mặt cần lưu ý để Ngân hàng Nhà nước điều hành tốt hơn chính sách tiền tệ năm 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.
Bà giải trình thêm, việc tiếp cận vốn tín dụng tới 21/9 tăng 5,33%, nhưng tới hết tháng 9 tăng gần 7%. Với điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành trong xúc tiến thương mại, tăng xuất khẩu, tăng khai thác thị trường trong nước. Bà Hồng dự báo, tín dụng từ nay tới cuối năm tín dụng sẽ tăng lên.
Liên quan tới xử lý ngân hàng yếu kém, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đây là việc khó, cần thời gian. Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cũng đã trình, xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để tích cực xử lý.
"Trong điều kiện bình thường xử lý ngân hàng yếu kém đã khó, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước ở giai đoạn nửa nhiệm kỳ, việc cơ cấu lại và xử lý các ngân hàng yếu kém đang trong giai đoạn hoàn tất", bà Hồng nêu.
Về nhận định "lạm phát thấp, lãi suất cao là nghịch lý, thể hiện bất cập trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ cân nhắc ý kiến này, bởi ý kiến này chỉ nhìn ở góc độ lạm phát và lãi suất.
Còn điều hành lãi suất, theo bà Hồng, các công cụ chính sách tiền tệ phải căn cứ vào mục tiêu lạm phát, dự báo xu hướng lạm phát thế giới, trong nước và yêu cầu ổn định tỷ giá, an toàn hệ thống.
"Những nhiệm vụ này không thể hy sinh nhiệm vụ nào, mà phải đảm bảo hài hòa, linh hoạt trong điều hành. Nếu xu hướng lạm phát bùng lên, thì chính sách tiền tệ có nhiệm vụ phòng ngừa, chuẩn bị xu hướng thắt chặt", bà Hồng nhấn mạnh.
Bà Hồng nhắc lại dự báo cuối 2021, Mỹ và 1 số nước đánh giá lạm phát chỉ tạm thời, chính sách tiền tệ của họ chưa thắt chặt. Nhưng tới 2022 lạm phát bùng lên, họ buộc phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh, mạnh, nên tác động tới các nền kinh tế toàn cầu. Tức là điều hành không thể chủ quan với lạm phát. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều dựa vào chỉ báo lạm phát để quyết định điều chỉnh tăng lãi suất hay không.
"Chúng ta phải nhìn về xu hướng phía trước, chứ không phải là chúng ta chỉ nhìn lạm phát thời gian qua thấp, mà chính sách lãi suất, tiền tệ không lo lắng", bà Hồng nói.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, lạm phát có xu hướng đảo ngược, từ tháng 7 đến tháng 9 đã tăng lên. Lạm phát cơ bản tăng 4,49% trong 9 tháng đầu năm. Bà Hồng cho rằng, đây cũng là vấn đề cần lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ.