Chiều 23-10, ông Võ Văn Hưng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - chủ trì phiên họp để tìm giải pháp xử lý ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Sa Lung.
"Vì sao ô nhiễm không phát hiện ra, hay làm ngơ?"
Mở đầu cuộc họp, ông Võ Văn Hưng đặt câu hỏi: "Ô nhiễm sông Sa Lung nhiều năm không phát hiện ra hay chính quyền làm ngơ?".
Ông Nguyễn Trường Khoa - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - khẳng định nước sông Sa Lung ô nhiễm. "Chất lượng nước sông Sa Lung có nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Mùi hôi có, nước sông đen nhưng nguồn gốc ô nhiễm vẫn cần thời gian để điều tra", ông Khoa trình bày.
Ông Khoa cho hay thượng nguồn sông Sa Lung có ba công ty và một số cơ sở chăn nuôi heo xả thẳng ra sông.
Tháng 9-2023, Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị bị người dân phát hiện xả thải ra môi trường, nên bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng. Ông Nguyễn Trường Khoa cho rằng "thanh tra các công ty lúc nào cũng ngon hết. Có những lúc kiểm tra đột xuất nhưng không phát hiện xả thải".
Về hậu quả ô nhiễm, ông Nguyễn Hữu Vinh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thông tin người nuôi tôm dọc sông chịu thiệt hại lớn, thông số coliform vượt mấy nghìn lần.
"Chỉ tiêu thủy sản của ngành năm nay chắc chắn không đạt", ông Vinh thừa nhận thiệt hại. Ô nhiễm được ngành nông nghiệp phát hiện từ tháng 5-2023 và kéo dài đến nay.
Ông Võ Văn Dũng - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường - phát biểu: từ khi cá chết trên sông Sa Lung năm 2018, đơn vị xác định đây là điểm nóng để quan trắc, giám sát nhưng từ chỗ phát hiện đến tìm cho ra nguồn xả thải thì khó quá.
Thượng tá Bùi Huy Điểu - phó Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị - khẳng định đơn vị đã triển khai các biện pháp trinh sát dọc sông nhưng khó phát hiện hành vi sai phạm.
"Khi họ xả thải, mình phải lấy được mẫu nước đi kiểm định mới xác định được nguồn xả thải. Chúng tôi cũng sẵn sàng mua thông tin từ người dân, đưa giá rất cao nhưng chưa tìm được. Đơn vị cố hết sức tìm ra để an lòng dân nhưng gặp khó khăn", thượng tá Điểu nhìn nhận.
Trước những phát biểu khẳng định sông Sa Lung ô nhiễm, ông Hưng đặt nghi vấn về việc tại sao phát hiện sông ô nhiễm mà không tìm được nguồn xả thải.
"Đi kiểm tra mà không phát hiện để dân phát hiện ra nguồn thải thì lỗi của anh kiểm tra. Ô nhiễm thì người dân bình thường cũng biết, nhưng ngành chức năng phải khoanh vùng, tìm ra nguyên nhân, đối tượng", ông Hưng nhấn mạnh.
Nhân dân là tai mắt
Các đại biểu đề nghị đầu tư hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát xả thải. Ông Võ Văn Dũng cho hay một điểm quan trắc tự động có vốn đầu tư 3 - 4 tỉ đồng, sông Sa Lung cần ít nhất 2 - 3 điểm quan trắc, ngoài ra còn chi phí vận hành, kết nối…
"Đơn vị đang lập kế hoạch, trình tỉnh phê duyệt nhưng kinh phí lớn nên cần thực hiện theo lộ trình", ông Dũng nói.
Ông Võ Văn Hưng đề nghị các ngành kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên môi trường, nguồn nước và nhất là sông Sa Lung, thanh tra, kiểm tra hồ sơ các công ty, hướng đến quan trắc tự động, đồng thời đề nghị công an điều tra mạnh mẽ hơn nữa.
"Phải làm cho sông sạch hơn, trong hơn, sau vài năm có thể tắm trở lại. Chúng ta phải lắng nghe nhân dân. Dân là tai mắt, họ phát hiện ô nhiễm nhanh lắm", ông Hưng kết luận.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online có bài viết phản ánh sông Sa Lung chết vì ô nhiễm, nhiều chỉ tiêu môi trường vượt giới hạn, khiến hàng trăm hộ dân nuôi tôm dọc sông thua lỗ, điêu đứng vì ô nhiễm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trạm cấp nước Thanh Hà (nơi khai thác nguồn nước ngầm cho hàng chục nghìn cư dân) nằm gần khu vực nghĩa trang và kênh mương ô nhiễm.