Thời buổi bận rộn, người trẻ có nhiều việc cần phải xử lý mỗi ngày, nhưng không đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, lạm dụng rượu bia, các chất gây nghiện...
Bất ngờ nguy kịch
Nam thanh niên 20 tuổi nhập viện tại Bệnh viện Nhân Dân 115 vì liệt 1/2 người bên phải, tiền căn dùng thuốc gây nghiện. Kết quả chụp cộng hưởng từ não cho hình ảnh nhồi máu não cấp vành tai trái.
Tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), TS Tạ Vương Khoa - phó trưởng khoa nội thần kinh của bệnh viện - cho biết trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đột quỵ mới, trong đó 20 - 25% là người trẻ, nhiều bệnh nhân trong số đó nhập viện trong tình trạng nặng hoặc rất nặng, thậm chí nguy kịch.
Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân nữ 32 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt hoàn toàn nửa người phải, chụp cộng hưởng từ ghi nhận hình ảnh nhồi máu diện rộng kèm phù não nặng bán cầu não trái, tắc động mạch cảnh trong bên trái.
Bệnh nhân được phẫu thuật mở sọ giải áp kết hợp điều trị hồi sức tích cực, trước mắt bệnh nhân đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch.
Cường độ làm việc cao, chủ quan vì còn trẻ
Làm việc tại một công ty tài chính nước ngoài, anh Huỳnh Minh Khải (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết do áp lực và tính chất công việc, anh thường xuyên phải tăng ca, làm thêm hoặc bỏ bữa để ra sức hoàn thành công việc.
"Mỗi ngày tôi ở công ty đến 12-14 tiếng, quỹ thời gian dành cho cá nhân bị thu hẹp", anh Khải nói và cho biết hệ lụy của áp lực công việc cường độ cao, dẫn đến quá sức khiến thể trạng anh bị suy nhược, tăng nguy cơ bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, anh thừa nhận bản thân thường chủ quan mình còn trẻ, dẻo dai, nên vẫn duy trì thói quen không tốt như hút thuốc, thức khuya, lạm dụng bia rượu, ăn các món chiên xào, đồ uống có gas. Về lâu dài có thể bị xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ.
Tương tự, Thảo Huyền (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết cô thường xuyên tắm đêm khi đi làm về lúc 21h, thậm chí sau khi uống bia rượu hoặc vào mùa nóng, Huyền cũng tắm trễ cho... mát. Huyền bảo có một tối vừa tắm xong, cô thấy choáng váng rồi té xuống, tay chân cứng đờ, miệng không kêu cứu được.
Nguyên nhân khiến 15-25% tổng số bệnh nhân đột quỵ
PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 - cho hay mỗi năm bệnh viện đã cấp cứu, điều trị khoảng 20.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 15%. So với những năm trước, số người trẻ bị đột quỵ trong thời gian gần đây thường gặp hơn, độ tuổi trẻ hóa hơn.
Chia sẻ về những nguyên nhân khiến độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa, bác sĩ Tạ Vương Khoa dẫn thống kê hằng năm cho thấy số một trong những lý do quan trọng để giải thích đến từ mặt trái của xã hội công nghiệp hóa.
Gánh nặng công việc vì áp lực phải đảm bảo nhu cầu "cơm áo gạo tiền" ngày càng đè lên đôi vai người trẻ trong khi chế độ nghỉ ngơi lại không đảm bảo, chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học khiến tuổi khởi phát bệnh của một số bệnh lý trẻ hóa.
Các bệnh lý này vốn là các yếu tố nguy cơ đột quỵ kinh điển như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu ngày càng trẻ hóa so với trước đây.
Một nghiên cứu tại châu Âu trên 3.944 bệnh nhân đột quỵ là người trẻ cho thấy 49% có nghiện hút thuốc lá, 46% có rối loạn mỡ máu, 36% có tăng huyết áp. Đái tháo đường liên quan hạn chế với đột quỵ người trẻ theo các con số thống kê có lẽ chỉ vì bệnh chưa đủ thời gian gây tổn hại cơ quan đích chứ không phải là vấn đề không đáng quan tâm.
PGS Thắng cho biết thêm, với các bệnh nhân lớn tuổi thì tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh tim mạch là những nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Ở người trẻ, chính lối sống với việc dùng thuốc lá, bia rượu, thuốc gây nghiện... đã làm cho đột quỵ đến sớm hơn rất nhiều so với dự kiến.
Còn tăng nếu không thiết lập chế độ điều trị dự phòng tốt
Để phòng tránh đột quỵ ở người trẻ, bác sĩ Khoa khuyến cáo người trẻ cần thiết lập cho mình một môi trường sống lành mạnh, thoải mái về tinh thần lẫn thể chất, một chế độ dinh dưỡng khoa học (giảm mặn, giảm tinh bột, giảm béo, tăng cường rau xanh và trái cây).
Song song đó, cần siêng năng tập thể dục thể thao, bỏ hẳn thuốc lá cũng như hạn chế bia rượu, tuyệt đối không dùng ma túy, thay đổi biện pháp ngừa thai nếu nghi ngờ thuốc ngừa thai đang uống liên quan với đột quỵ. Đặc biệt, cần nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Nên khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ cũng có thể giúp người trẻ phát hiện được những sang thương mạch máu não vốn hình thành và phát triển âm thầm, không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài để từ đó có thể chủ động trong cảnh báo, theo dõi hoặc nếu có chỉ định sẽ điều trị sớm khi chưa xảy ra hậu quả như dị dạng mạch máu não, phình động mạch não, rò động tĩnh mạch não…
Đột quỵ tiếp tục khiến nhiều người lo lắng khi bệnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nhiều người đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Cách phòng ngừa đột quỵ và sơ cứu người đột quỵ?