Kênh Channel 4 của Anh vừa phát sóng phim tài liệu The Great Amazon Heist được thực hiện bởi Oobah Butler nhằm mục đích chứng minh Amazon đang thiếu các quy định bảo vệ người dùng.
Cụ thể, Butler thu thập loại chất lỏng được cho là nước tiểu của những tài xế chở hàng Amazon, sau đó đóng chai, thiết kế bắt mắt và dán nhãn nước tăng lực Release. Hệ thống của Amazon nhanh chóng chấp nhận và xếp sản phẩm này vào danh mục đồ uống. Release thậm chí còn trở thành mặt hàng bán chạy trên sàn.
Theo Wired, nhà báo Oobah Butler đã thâm nhập vào một trung tâm phân phối Amazon ở Coventry, sau đó trò chuyện với các công nhân để hiểu thêm về điều kiện làm việc khắc nghiệt. Điều này trái ngược hoàn toàn với phát ngôn của người đại diện Amazon James Drummond, rằng “không có gì quan trọng hơn” sự an toàn của nhân viên và phía công ty luôn cung cấp đầy đủ quần áo và giày bảo hộ.
Phỏng vấn chính các nhân viên tại nhà kho Amazon, Oobah Butler cho biết những người này sẽ bị công ty trừ lương nếu giao hàng chậm, vậy nên phải ‘giải quyết’ vào chai nước rỗng thay vì mất thời gian tìm nhà vệ sinh. Một số tài xế tiết lộ từng bị Amazon phạt do để quên chai trên xe lúc về kho.
Để tránh mất tiền, các tài xế vứt chai dọc trên đường đi. Gần các kho hàng của Amazon, từ Coventry, New York đến Los Angeles, dễ dàng tìm thấy những thứ chất lỏng màu vàng này.
Trước đó, thông tin nhân viên Amazon phải đi tiểu trong chai cũng được nhà báo James Bloodworth lột trần sau quá trình thâm nhập vào kho hàng của Amazon tại Anh. Một số rất sợ đi vệ sinh. Họ cũng cho biết mình sẽ bị phàn nàn nếu ốm hay mang bầu do không đảm bảo chỉ tiêu công việc.
“Với những người làm việc ở tầng trên cùng, nhà vệ sinh gần nhất cách họ rất xa. Mọi người đành đi vệ sinh trong chai vì sợ bị kỷ luật về và mất việc”, một nhân viên cho biết.
“Tôi phải đi làm dù thấy rất tệ. Tôi làm được hai tiếng và không chịu nổi nữa. Tôi nói với người giám sát là tôi bị đau dạ dày và có giấy từ bệnh viên song vẫn bị phàn nàn”, một nhân viên khác nói.
Theo Butler, quá trình đăng ký bán Release rất dễ. Sàn không kiểm tra để đảm bảo đồ uống đạt tiêu chuẩn an toàn. “Ban đầu, tôi nghĩ sẽ gặp khó khăn trong việc cấp phép thực phẩm nên đã liệt kê món hàng vào danh mục bình nước tái sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống đã tự động chuyển sang nhóm đồ uống”, Butler nói.
Nhằm đảm bảo cộng đồng người dùng không mua nhầm, Butler nhờ một nhóm bạn đặt hàng hộ song vẫn có rất nhiều người muốn mua sản phẩm giả đáng sợ này.
“Khi nhìn thấy sản phẩm được rao bán, ban đầu tôi thực sự phấn khích và rất buồn cười. Tuy nhiên sau đó, khi nhiều người cố gắng mua sản phẩm, tôi cảm thấy hơi sợ”, Butler nói.
Ngoài ra, để chứng minh Amazon cũng không coi trọng quy tắc bảo vệ trẻ em, vị nhà báo đã thử nhờ hai cô cháu gái bốn tuổi và sáu tuổi đặt các vật dụng nguy hiểm như dao, cưa, thuốc chuột... thông qua Alexa để điều chỉnh giọng nói. Những đơn hàng này đã được giao tới địa chỉ nhà Butler mà không cần sự xác nhận trực tiếp từ người lớn.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của Wired, James Drummond cho biết Amazon thực hiện xác minh độ tuổi một cách nghiêm túc bằng hệ thống xác minh ID. “Người dùng phải đủ 18 tuổi hoặc có sự trợ giúp của cha mẹ, người giám hộ. Một số sản phẩm được nhắc tới trong phim tài liệu bị phân loại chưa chính xác và chúng tôi đã tiến hành chỉnh sửa”, ông nói.
Amazon là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Nhiều năm qua, công ty đã dùng thuật toán để quản lý những người bán hàng trên nền tảng, xử lý hàng giả...sau đó là điều hành nhân viên trong kho, giám sát tài xế hợp đồng… Các thuật toán này cho biết nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên, đặt mục tiêu năng suất và ‘chỉ mặt’ các nhân sự không đạt kế hoạch.
Chính vì quên đi “yếu tố con người’’, nhân viên Amazon phải làm việc như những chú robot. Theo Business Insider, họ phải ‘vắt kiệt’ ít nhất 60 giờ/tuần. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống dường như không còn tồn tại.
Theo: Wired, BI