Tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và dự kiến năm 2024 sáng 24/10, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành uỷ Hà Nội đánh giá, nền kinh tế từ nay đến cuối năm vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, ông Dũng nói rằng các giải pháp đưa ra cần cụ thể hơn thay vì chỉ bàn chung chung.
Trong đó, ông Dũng nhìn nhận điều doanh nghiệp cần là sự tháo gỡ có thực chất, và nếu tập trung giải quyết được hai vấn đề là tín dụng và bất động sản thì mang lại hiệu quả cốt lõi cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.
Về tín dụng, Bí thư Hà Nội bày tỏ: “Ai cũng nói tín dụng rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản còn doanh nghiệp thiếu tiền, tiếp cận vốn thì khó khăn. Nhưng vấn đề là phải gỡ được thực chất, có hiệu quả hơn, đột phá hơn”.
Nói về lĩnh vực bất động sản, ông Dũng cho biết Hà Nội có hơn 700 dự án chậm triển khai, nằm im bất động nhiều năm. “Triển khai thì không triển khai, dân thì bức xúc, lại là "ổ" làm mất an ninh trật tự”, ông Dũng cho hay.
Theo Bí thư Hà Nội, nếu giải quyết được sẽ kích thích thị trường bất động sản, kéo theo đó là nguyên nhiên vật liệu, lao động có việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô, qua đó thông được tín dụng ngân hàng, thông được vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ… “Tất cả yếu tố này sẽ kích thích được tăng trưởng”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, Chính phủ đã có nhiều quyết sách, chủ trương về vấn đề gỡ khó cho thị trường bất động sản nhưng hiệu quả thực sự vẫn còn hạn chế.
“Thành uỷ Hà Nội rất quyết tâm, nhưng khó khăn vẫn có và vướng bởi luật, mà chủ yếu là Luật Đất đai. Có những việc phải ra đến Quốc hội mới tháo được “ngòi” vì vướng luật”, ông Dũng phát biểu.
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh: “Không chỉ riêng Tp.Hà Nội mà những địa phương khác cũng vậy, nếu những dự án bất động sản cứ nằm ở đấy thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực Nhà nước trong khi người dân thì bức xúc vì đầu tư cứ dở dang”.
Nêu kiến nghị, ông Dũng cho rằng Quốc hội nên có chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án bất động sản, có chủ trương chung để giải quyết bởi chủ yếu đang vướng Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Trước đó, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản mới đây, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết thời gian qua Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương.
Trong đó, tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị.
Hiện Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu), và đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.
Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do Thủ tướng trình bày trước Quốc hội sáng 23/10 có nêu rõ, tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm; du lịch quốc tế phục hồi chậm.