Khác với hình ảnh quen thuộc, gần một năm qua khi tham quan trung tâm khu phố cổ Hội An, du khách không còn được thấy chùa Cầu án ngữ bên bờ Bắc sông Hoài.
Thay vào đó là một nhà tôn bít bùng với 4 hướng được quây kín, trên lợp mái. Để du khách vẫn thấy phần nào chùa Cầu, một lối lên tham quan cũng được mở ra.
Tuy nhiên tầm nhìn hạn chế do nhiều khu vực bị che chắn, phục vụ sửa chữa và bảo quản các cấu kiện của cầu.
Để có đánh giá toàn diện quá trình trùng tu gần một năm qua, sáng 24-10, chùa Cầu được mở cửa, khách vào mục sở thị mọi góc cạnh công trình cổ sau khi đã hạ phần khung và mái.
Đây là lần đầu tiên từng góc cạnh, hình hài nguyên trạng, kết cấu và bố trí không gian của chùa Cầu được lộ rõ.
Chùa Cầu Hội An nằm ở trung tâm phố đi bộ, là công trình có kiến trúc tiêu biểu được cả thế giới biết đến trong quần thể di sản văn hóa thế giới thuộc mạng lưới của UNESCO.
Nhiều năm qua công trình cổ này xuống cấp trầm trọng.
Từ tháng 12-2022, dự án tu bổ di tích chùa Cầu được triển khai với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12 tới đây.
Tính tới hiện tại, dự án tu bổ đã làm xong một số phần việc chính như số hóa 3D không gian di tích, xây dựng nhà che bao quanh, hạ giải xong hệ mái ngói âm dương và hệ khung gỗ, gia cố trụ móng…
Quá trình thi công, các đơn vị cho biết nhiều cấu kiện công trình đã mục nát gây khó khăn cho việc giữ tối đa tính nguyên vẹn.
Các đơn vị phải làm thủ công hoàn toàn. Từng viên ngói, mạch hồ, chốt gỗ… được gỡ bằng tay cẩn thận rồi định vị bằng khung gỗ, đánh dấu số thứ tự để không xáo trộn và nứt vỡ.
Sáng 28-12, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Hội An) được khởi công với sự có mặt hơn 100 đại biểu, các nhà khoa học, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cùng đông đảo du khách.