Vấn đề đó được báo chí đặt ra với lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 19/10.
6 biển số ô tô bị người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ được Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá lại trong thời gian sắp tới gồm: 51K-888.88 (TPHCM, giá trúng trước đó 32,340 tỷ đồng); 30K-555.55 (Hà Nội, giá trúng trước đó 14,12 tỷ đồng); 30K-567.89 (Hà Nội, 13,075 tỷ đồng); 36A-999.99 (Thanh Hóa, 7,47 tỷ đồng); 98A-666.66 (Bắc Giang, 3,075 tỷ đồng); 47A-599.99 (Đắk Lắk, 1,37 tỷ đồng).
Trả lời báo chí, bà Đặng Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) khẳng định, bản chất của hoạt động đấu giá là tối đa hóa giá trị của tài sản, tài sản được trả giá càng cao thì càng được coi là thành công.
Theo bà Hoa, Nghị quyết 73 của Quốc hội đã quy định về việc tính tiền đặt trước ở mức tương đối cao, bằng giá khởi điểm đưa ra là 40 triệu đồng. Để hạn chế bỏ cọc, Luật Đấu giá tài sản còn có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của khách hàng, như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính...
Đặc biệt, người vi phạm quy định về đấu giá tài sản còn bị xử phạt hành chính, còn biển số xe đã trúng tiếp tục được đưa ra đấu giá lại.
"Như vậy, tôi nghĩ luật đã quy định những chế tài tương đối đầy đủ, trong đó nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính", bà Nguyễn Thị Hoa nói.
Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho hay, dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới và thông qua vào kỳ họp tháng 4 năm 2024.
"Chúng tôi sẽ tập trung vào giải quyết việc tăng vai trò, trách nhiệm của người tham gia đấu giá, trách nhiệm của người có tài sản đấu giá và vai trò của cơ quan, tổ chức có liên quan để làm sao cuộc đấu giá công khai, minh bạch, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội", bà Hoa thông tin.