Công sở thành nhà hoang
Chúng tôi gặp ông Hồ Văn Mân (49 tuổi, ở thôn Hà Riềng, xã Trà Phong, H.Trà Bồng) ngồi trước cổng trụ sở UBND H.Tây Trà (cũ). Nhắc về chuyện sáp nhập huyện, ông Mân thở dài: "Buồn lắm, buôn bán không được gì hết".
Theo ông Mân, từ khi sáp nhập huyện, nhiều cơ quan, đơn vị chuyển đi nên khu vực trung tâm H.Tây Trà (cũ) thưa vắng người; trồng ra trái mít, trái thơm, buồng chuối… chẳng biết bán cho ai.
Ông Mân vừa nói vừa nhìn về những căn nhà làm việc của H.Tây Trà (cũ) nay không một bóng người. Trừ trụ sở UBND huyện, công an, huyện đội… có người trực, dọn dẹp vệ sinh nên sân vườn sạch sẽ; các trụ sở còn lại đìu hiu, nhếch nhác.
Tại trụ sở UBND xã Trà Phong (cũ), lá khô rụng khắp sân. Bên trong các căn phòng là giấy, báo nằm ngổn ngang, cửa kính bể nát, cầu thang bụi bặm...
Cổng trụ sở Hạt Kiểm lâm H.Tây Trà gỉ sét ám đen. Lối vào cổng nhiều đơn vị trước đây như Ngân hàng Chính sách H.Tây Trà, Viện KSND H.Tây Trà, Bảo hiểm xã hội H.Tây Trà… bị cây dại phủ đầy.
"Đi dọc các khu nhà làm việc này, không ai không xót xa. Mỗi trụ sở ở đây là tiền tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng để xây dựng lên nhưng bây giờ hoang tàn, không được sử dụng, không có người ra vào nên bên trong rất bẩn. Công sở vậy mà bỏ hoang, lãng phí quá", ông Hồ Ngọc Minh (ở thôn Hà Riềng) bức xúc.
Không có nhu cầu sử dụng
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi sáp nhập H.Tây Trà vào H.Trà Bồng, địa phương đã tiếp nhận và sử dụng 302 cơ sở nhà, đất (gồm 534 ngôi nhà) của 82 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đến nay, H.Trà Bồng đã điều chuyển 46 cơ sở nhà, đất (58 ngôi nhà) của 29 cơ quan, tổ chức, đơn vị về cho một số cơ quan, đơn vị của xã Trà Phong và một số xã khác sử dụng. Thế nhưng khi tiếp nhận, các đơn vị này vẫn không thể khai thác hết các phòng làm việc và diện tích được giao.
Theo một lãnh đạo UBND H.Trà Bồng, ngoài các cơ quan cấp huyện, còn có các trụ sở cấp xã sau khi sáp nhập dôi dư ra, gây lãng phí không nhỏ. Việc bán đấu giá các trụ sở dôi dư này rất khó thực hiện vì không có đơn vị, doanh nghiệp nào có nhu cầu. "Chỉ có 2 đơn vị sản xuất kinh doanh có nhu cầu đấu giá mua lại trụ sở cũ, còn lại thì ai mua để làm gì khi đất này đã thưa người, hàng quán cũng theo cán bộ xuôi về Trà Bồng rồi", vị lãnh đạo này nói.
Theo ông Trần Văn Sương, Phó chủ tịch UBND H.Trà Bồng, số cơ quan, nhà làm việc của H.Tây Trà (cũ) đã giao cho H.Trà Bồng quản lý "xài" không hết. Trong khi đó, các công trình, nhà làm việc của tỉnh và trung ương đóng trên địa bàn cũng lần lượt giao về cho H.Trà Bồng, rồi đây cũng không biết xử lý sao cho hợp lý. Ở thì không có nhu cầu, bán không có mấy ai mua nên hàng loạt nhà công sản ở H.Tây Trà (cũ) ngày càng xuống cấp, hoang phế.
Vào khoảng tháng 2.2023, khi giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, ông Đặng Ngọc Huy, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng các trụ sở của H.Tây Trà (cũ) không được sử dụng là sự lãng phí rất lớn, cần có phương án xử lý phù hợp. Ông Huy yêu cầu H.Trà Bồng tiếp nhận tài sản là nhà, đất và tìm cách xử lý hiệu quả hơn.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu H.Trà Bồng có cách bảo vệ tài sản công, bán và chuyển nhượng tài sản theo kế hoạch đưa ra trước đó để tránh lãng phí. Nhưng đến ngày 25.8, một lãnh đạo UBND H.Trà Bồng cho biết việc bán tài sản nói trên vẫn không có tiến triển gì mới.
Bán cũng không ai mua
Ngày 18.10, Sở Tài chính Quảng Ngãi cho biết việc bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các công sở ở H.Tây Trà (cũ) không khả thi. Nguyên nhân do vị trí xa trung tâm H.Trà Bồng, xa khu dân cư, diện tích đất lớn… nên không ai mua. Trong khi đó, việc những khu nhà và đất này khi chuyển về cho địa phương sử dụng thì địa phương không tiếp nhận vì không có nhu cầu sử dụng, gây ra việc lúng túng trong khâu chọn lựa hình thức xử lý nhà, đất này.
Đáng nói, với một số nhà bị hư hỏng, sụp đổ cũng không thể tiếp tục sử dụng, nhưng theo quy định lại chưa được phép thanh lý tài sản trên đất để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Với nhà ở nói trên, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã nghiên cứu đến việc giao cho dân vào ở, nhưng do tập quán ăn ở nên đồng bào Kor ở đây không chịu.
Cũng theo Sở Tài chính Quảng Ngãi, hiện những ngôi nhà, đất nói trên, tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho UBND xã Trà Phong, H.Trà Bồng quản lý, bảo vệ. Riêng các trụ sở làm việc thuộc ngành dọc của T.Ư, hiện còn 4 trụ sở chưa có văn bản giao cho tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận, gồm: trụ sở Bảo hiểm xã hội, Chi cục Thuế, TAND và trụ sở Viện KSND H.Tây Trà (cũ). (còn tiếp)
Dở dang công trình dạy nghề 38 tỉ đồng
Ngoài hàng loạt nhà làm việc bị bỏ hoang sau khi sáp nhập huyện, tại Quảng Ngãi còn có một công trình tiền tỉ bị bỏ hoang gây bức xúc dư luận, đó là Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh quy mô 3 ha, vốn đầu tư công khoảng 38 tỉ đồng ở xã Tịnh Phong (H.Sơn Tịnh). Kể từ khi khởi công cho đến nay đã 10 năm, nhưng công trình này vẫn "đắp chiếu". Hiện trong khuôn viên cỏ dại um tùm do lâu ngày không được phát dọn. Tại đây có nhiều dãy nhà xây dựng dang dở, sắp xuống cấp, hư hỏng. Nhiều chỗ sắt thép hoen gỉ, nước đọng trên sàn, tường và nền nhà đã mốc meo, xám xịt.
Theo một lãnh đạo Sở Tài chính Quảng Ngãi, tháng 5.2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định hủy bỏ việc chuyển giao dự án Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh từ Sở LĐ-TB-XH cho Trường cao đẳng Công thương TP.HCM tại Quảng Ngãi, vì việc bàn giao dự án trước đó sai quy định. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi giao cho Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận dự án, tìm phương án khả thi, bố trí vốn để tiếp tục thi công, đưa dự án vào sử dụng.
Tuy nhiên tại hiện trường, chúng tôi chưa thấy có động thái tiếp tục thi công để đưa dự án vào hoạt động.