Một mùa hè tại Mỹ vừa khép lại với lạm phát nối dài xu hướng giảm, thị trường lao động tiếp tục thể hiện sức mạnh trong khi người tiêu dùng không ngần ngại chi tiêu.
Thực tế trên khiến không ít chuyên gia cũng như tổ chức kinh tế, trong đó bao gồm cả Cục Dự trữ liên bang (Fed), tin rằng nền kinh tế số một thế giới sẽ thành công "né" được suy thoái. Một thỏa thuận ngăn cản viễn cảnh chính phủ đóng cửa chỉ vài giờ trước hạn chót càng khiến cho hy vọng thêm chất đầy.
Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với sự thật rủi ro suy thoái đã hoàn toàn biến mất, đặc biệt trong bối cảnh một loạt những thách thức cũ và mới vẫn đang hiện hữu, với khả năng dễ dàng "gọt bớt'" 1% tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV tới.
Lý giải cho tâm lý thận trọng này, Bloomberg Economics đưa ra 6 lý do sau:
Dự báo một đằng, kết quả một nẻo…
"Viễn cảnh có khả năng xảy ra cao nhất đối với nền kinh tế là một cuộc hạ cánh mềm". Đó là những gì bà Janet Yellen, cựu Chủ tịch Ngân hàng dự trữ San Francisco và nay là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tự tin phát biểu vào tháng 10/2007, hai tháng trước khi Khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Tại thời điểm đó, bà Yellen không phải người duy nhất giữ góc nhìn tích cực.
Tại sao công tác dự báo suy thoái lại khó đến như vậy? Lý do nằm ở cách mà công tác dự báo vận hành. Thông thường, việc đoán định điều gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế phụ thuộc vào những dữ kiện đã có trong quá khứ, hay nói cách khác, đây là một quá trình tuyến tính. Thế nhưng, suy thoái là một sự kiện phi tuyến tính.
Và trí óc của loài người không giỏi "tính toán" những sự kiện như vậy.
Nhiều người lại dựa vào những dự báo tỷ lệ thất nghiệp, vốn được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, để nuôi hy vọng.
Trong báo cáo mới nhất của Fed, cơ quan này dự báo tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ từ 3,8% trong năm 2023 lên 4,1% vào năm 2024, đồng nghĩa với việc nước Mỹ sẽ "né" được suy thoái, vốn đi liền với số lượng người thất nghiệp "nhảy vọt".
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như xu hướng tăng nhẹ đó bị phá vỡ? Bằng cách sử dụng một mô hình dự báo có tính tới cả những yếu tố phi tuyến tính, Bloomberg Economics nhận thấy nền kinh tế không chỉ đối diện với rủi ro tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với dự báo của Fed mà còn nhiều thách thức khác.
Các bước tăng lãi suất bắt đầu "phát tác"
"Chính sách tiền tệ thường đi liền với độ trễ lớn và những hệ quả khó lường", Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Milton Friedman, phát biểu. Khó lường ở đây không chỉ dừng lại ở mục đích ám chỉ mức độ nghiêm trọng khác nhau của các giai đoạn suy thoái mà còn tới từ chính diễn biến của các lĩnh vực kinh tế trong cùng một chu kỳ "giảm tốc".
Những người lạc quan biện hộ: thị trường chứng khoán có một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trong khi lĩnh vực sản xuất và bất động sản đang dần hồi phục. Tuy nhiên, đó là những lĩnh vực sở hữu độ trễ ngắn nhất sau mỗi giai đoạn tăng lãi suất. Đối với những thành phần kinh tế khác, nổi bật nhất là thị trường lao động, độ trễ có thể kéo dài tới hai năm.
Điều này có nghĩa tác động từ tổng mức tăng 5,25% kể từ tháng 3/2023 vẫn chưa "phát tác" hết đối với các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Có thể, chúng ta phải đợi tới cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Và nếu điều đó xảy ra, thị trường chứng khoán và nhà ở sẽ hứng chịu một cú sốc hoàn toàn mới.
Trong khi đó, quá trình tăng lãi suất của Fed có thể chưa dừng lại. Trong kỳ họp mới nhất, cơ quan này phát đi tín hiệu về một bước tăng lãi suất tiếp theo.
Còn quá sớm để nói nền kinh tế số một thế giới đã thoát khỏi tâm bão.
Suy thoái "ẩn mình"
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ bị thắt chặt, trên thực tế, một số tín hiệu cảnh báo đã được phát đi. Tuy nhiên, quyết định của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), cơ quan nắm quyền quyết định liệu kinh tế Mỹ có suy thoái hay không, thường chỉ được đưa ra sau khi suy thoái đã bắt đầu được vài tháng.
Do đó, Bloomberg Economics đặc biệt quan tâm tới các phương pháp đánh giá của cơ quan này nhằm xác định rủi ro suy thoái đối với nền kinh tế số một thế giới. Theo đó, có một số yếu tố có tác động lớn tới quyết định của NBER, bao gồm thu nhập, tuyển dụng, chi tiêu tiêu dùng, sản lượng công nghiệp,...
Sử dụng những dự báo chung đối với các yếu tố kể trên, Bloomberg Economics xây dựng nên một mô hình mô phỏng lại quá trình ra quyết định của NBER trên thời gian thực. Mô hình này vận hành tương đối trùng khớp với những quyết định đã được NBER đưa ra trong quá khứ.
Vậy trong tương lai, mô hình trên nói lên điều gì? Khả năng cao trong đầu năm 2024, NBER sẽ xác nhận kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái từ những tháng cuối năm 2023.
Và đó là trước khi những cú sốc này xảy ra…
Đình công: Tổ chức công đoàn United Auto Workers đã kêu gọi người lao động tại ba doanh nghiệp sản xuất xe hơi hàng đầu nước Mỹ (bao gồm Ford, General Motors và Stellantis - công ty mẹ của hãng Chrysler) ngừng làm việc.
Sự việc này, nếu kéo dài, có thể gây ra những tác động to lớn tới nền kinh tế. Năm 1998, 9.200 công nhân GM đình công trong vòng 54 ngày khiến cho công ty này thiệt hại lên tới 2 tỷ USD và 150.000 việc làm bị cắt giảm.
Nợ sinh viên: Hàng triệu người dân Mỹ bắt đầu phải trả lại khoản vay trợ cấp sinh viên từ tháng 10 này sau khi khoảng thời gian ân hạn do đại dịch Covid-19 kết thúc. Điều này có thể lấy đi từ 0,2-0,3% tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV.
Giá dầu tăng: Đà tăng giá dầu, vốn có tác động tới túi tiền của mọi hộ gia đình, là một trong số nhiều chỉ báo tin cậy cho thấy suy thoái đang ập tới. Giá dầu đã tăng khoảng 25 USD trong vài tháng qua, có thời điểm chạm mốc 95 USD/thùng.
Đường cong lợi suất: Đà bán tháo trái phiếu chính phủ đẩy lợi suất sản phẩm tài chính này lên đỉnh nhiều năm. Trong khi đó, chi phí đi vay cao trên thực tế đã kéo giảm thị trường chứng khoán và được dự báo gây nguy hại đối với đà phục hồi thị trường nhà ở, ngăn cản ý định đầu tư của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm: Nước Mỹ không thể tăng trưởng nếu phần còn lại của thế giới "đi giật lùi". Trung Quốc hiện đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử trên thị trường bất động sản. Còn tại khu vực đồng tiền chung euro, nhu cầu vay vốn giảm sút nhanh chóng, tín hiệu cho thấy tăng trưởng chắc chắn sẽ không cao trong thời gian tới.
Đó còn chưa kể tới rủi ro chính phủ Mỹ có thể đóng cửa nếu như Quốc hội không thông qua thỏa thuận cấp ngân sách hoạt động vào giữa tháng 11 tới. Theo tính toán của Bloomberg Economics, nếu chính phủ Mỹ đóng cửa một tuần, tốc độ tăng trưởng của Mỹ có thể sụt giảm 0,2 điểm phần trăm.
Túi tiền dần cạn kiệt
Một trong những lý do khiến nhiều người kỳ vọng về khả năng hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ tới từ sức mạnh tiêu dùng. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy đó không phải là một chỉ dấu dự báo suy thoái đáng tin cậy. Thông thường, người dân Mỹ chỉ dừng mua sắm khi họ đã "đứng trên bờ vực".
Bên cạnh đó, lượng tiền tiết kiệm mà người dân Mỹ có được trong đại dịch cũng đang dần cạn kiệt. Vậy tốc độ sụt giảm là bao nhiêu? Theo Fed San Francisco, số tiền đó có thể đã được tiêu hết vào cuối tháng 9 vừa qua. Bloomberg ước tính 80% bộ phận người dân nghèo nhất nước Mỹ hiện có ít tiền hơn so với giai đoạn trước khi Covid-19 ập tới.
Và thời gian tới sẽ như thế nào trong khi ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ chậm thanh toán thẻ tín dụng tăng đột biến, đặc biệt trong nhóm công dân trẻ tuổi.
Giai đoạn thắt chặt tín dụng mới ở giai đoạn đầu
Một trong những dữ liệu đầu vào có mức độ tin cậy cao trong việc dự báo suy thoái chính là kết quả khảo sát của Fed đối với giám đốc tín dụng tại các ngân hàng, hay còn gọi là SLOOS.
Kết quả cuộc khảo sát mới nhất cho thấy: khoảng một nửa các ngân hàng lớn và tầm trung tại Mỹ đang áp dụng các tiêu chuẩn cho vay thương mại và sản xuất khắt khe hơn trước. Ngoài giai đoạn đại dịch, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tác động từ thực tế này sẽ được cảm nhận rõ ràng nhất từ quý IV năm nay. Và khi các doanh nghiệp không thể vay vốn dễ dàng, nguồn vốn đầu tư sẽ cạn kiệt và thị trường lao động sẽ bắt đầu đổ vỡ.
Sự khiêm tốn
Đối với các chuyên gia kinh tế, vài năm qua đã cho họ một bài học lớn về sự khiêm tốn. Trước một loạt cú sốc mạnh như đại dịch Covid-19 và xung đột Ukraine, các mô hình dự báo thông thường dường như không phát huy tác dụng.
Đó là lý do không thể tốt hơn giúp mỗi chúng ta duy trì quan điểm thận trọng. Hạ cánh mềm vẫn có thể xảy ra, nhưng đó liệu có phải khả năng dễ dàng xảy ra nhất? Với việc kinh tế Mỹ phải đối diện với tác động từ không ít thách thức, chắc chắn đó không phải viễn cảnh có thể dễ dàng xảy ra.
Xem thêm: mth.23375319070013202-gnum-iov-gnud-mem-hnac-ah-es-ym-et-hnik/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad