Trong các buổi họp mặt, anh Hai Quang luôn luôn nhắc món nợ với người đi sau mà bác Dương Quang Thiện truyền lại, và đúc kết câu tục ngữ xưa theo cách của mình: Ăn quả thì nhớ trồng cây.
Ăn quả
Là học sinh xuất sắc của Trường Lê Hồng Phong TP.HCM trứ danh nhưng đường vào đại học của Lê Nguyễn Minh Quang từng gặp trở ngại vì lý do lý lịch. Những định kiến không hay của một thời này lại có lúc bắc cầu cho một kỷ niệm đẹp, đáng nhớ với anh Hai Quang và Vì ngày mai phát triển.
Câu chuyện được ghi lại trên Tuổi Trẻ: Tuổi Trẻ 21-1-1989 - danh sách 10 sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn được tặng học bổng Vì ngày mai phát triển lần thứ 2 không có tên Quang; Tuổi Trẻ 24-1-1989, bài "Giá như không chỉ có 10 học bổng" có đoạn: "Sau khi Tuổi Trẻ thông báo tiêu chuẩn xét chọn, chúng tôi nhận được 24 hồ sơ và thật lòng muốn cấp học bổng cho cả 24 bạn đều là những sinh viên rất giỏi và đang rất khó khăn.
Thế nhưng, buồn thay, kinh phí có hạn, lực bất tòng tâm", và bài báo kể một trường hợp kiện cáo: "Sau khi thông báo kết quả, một bạn sinh viên đến hỏi: "Tại sao điểm số của tôi hơn một bạn cùng trường, nhưng ban đã chọn bạn điểm thấp hơn? Có phải vì cha tôi là sĩ quan chế độ cũ?".
Câu hỏi này làm cả ban xét chọn bứt rứt, xót xa, quan điểm xét chọn hoàn toàn không có yếu tố lý lịch. Ban giải thích: chọn bạn ít điểm hơn vì hoàn cảnh bạn ấy khó khăn hơn. Nghe rồi, bạn sinh viên nọ cười thoải mái: "Thế thì tôi đồng ý...".
Tuổi Trẻ 28-1-1989: thêm hai sinh viên được tặng học bổng, một trong đó là Lê Nguyễn Minh Quang, bạn đã đến khiếu kiện hôm nọ. Tuổi Trẻ 28-9-1989: sinh viên Lê Nguyễn Minh Quang bảo vệ xuất sắc đề tài ứng dụng điện toán vào tính toán trong xây dựng.
Sau này, Quang còn nhận được rất nhiều học bổng khác ở Pháp, ở Mỹ để trau dồi chuyên môn của mình nhưng anh nói học bổng Vì ngày mai phát triển khiến anh tự hào nhất, là nguồn động lực cho suốt cuộc đời vì đó là phần thưởng đúng lúc, mang đến niềm tin rằng những nỗ lực sẽ được ghi nhận công bằng.
Sau những năm du học, tu nghiệp, anh chọn trở về Việt Nam làm việc, góp chuyên môn ngành xây dựng của mình vào sự phát triển thành phố. Quang cũng là một trong những người đầu tiên quay lại báo Tuổi Trẻ, gia nhập "Gia đình Vì ngày mai phát triển" và bắt đầu công cuộc "trồng cây, trả nợ người đi sau" của mình.
Không chỉ đóng góp cá nhân cho các chương trình, học bổng, Quang còn đứng ra huy động trong những tổ chức mà mình công tác, còn chủ động xây dựng Câu lạc bộ Mentor - Mentee (người hướng dẫn - người tiếp thu) để kết nối truyền thống "người đi trước rước người đi sau" giữa các thành viên trong "Gia đình Vì ngày mai phát triển".
Trồng cây
Bắt đầu từ mấy bạn sinh viên khoa xây dựng mạnh dạn, năng động đã đến tận Công ty Bachy Soletanche tìm anh Hai Quang, tổng giám đốc, để xin việc làm thêm, xin thực tập sau khi nhận học bổng Tiếp sức đến trường. Anh đồng ý và môi trường đúng chuyên môn đã giúp các bạn tiến bộ nhanh chóng trong việc học, trưởng thành nhanh chóng trong việc làm.
Qua mấy năm, lớp đàn em mau chóng trở thành những đồng nghiệp vừa vững vàng nghề nghiệp lại vừa hợp tính, hợp ý. Quang liền suy nghĩ để tìm cách triển khai rộng hơn trong "Gia đình Vì ngày mai phát triển".
Các "chị Ba, anh Tư, anh Năm" trong gia đình Vì ngày mai phát triển lập tức hưởng ứng, một câu lạc bộ nhỏ được hình thành, có anh Quang, anh Luận ngành xây dựng; chị Nga, anh Nguyên ngành tài chính, ngân hàng; anh Liêm, anh Nhựt ngành y... sẵn lòng làm mentor cho các bạn sinh viên ngoài những trợ giúp về tài chính.
Từ đó, mỗi năm đến mùa Tiếp sức đến trường, hoàn tất phần đóng góp cho quỹ học bổng của mình, anh Hai Quang lại liên hệ để lấy danh sách các bạn tân sinh viên Tiếp sức đến trường sẽ theo học ở TP.HCM, mang về câu lạc bộ để chọn lựa thêm những bạn phù hợp hướng dẫn lâu dài.
Đã qua 20 năm vận hành, hồ sơ tự thể hiện của tân sinh viên những năm sau này được thiết kế hiện đại và đầy đặn, đủ chỗ để các bạn vừa báo cáo thành tích học tập vừa trình bày hoàn cảnh, vừa thổ lộ được ước mơ, nỗ lực, vừa thể hiện được cá tính. Không cần qua phỏng vấn, chỉ đọc hồ sơ, các anh chị đã chọn ngay được những bạn phù hợp nhất.
Buổi Mentor - Mentee nhận nhau được tổ chức ở trụ sở báo Tuổi Trẻ một ngày cuối năm 2019 thật vui. Các anh chị "đời đầu" của "Gia đình Vì ngày mai phát triển" - có người cũng lần đầu đến báo - nhưng ai cũng bảo cứ nhìn chữ Tuổi Trẻ là thấy ấm áp như được về nhà.
Các em tân sinh viên "đời cuối" còn bỡ ngỡ nhưng sự hồn nhiên tuổi trẻ đã mau chóng kết tất cả lại thành một gia đình. Anh Hai Quang còn đưa theo anh Minh Quân là anh trai mình, người mà anh vận động gia nhập đội mentor. Từng nhóm Mentor - Mentee của Tiếp sức đến trường đã hình thành theo từng chuyên ngành như thế.
Tôi dõi theo hoạt động của họ trong các nhóm kết nối mạng mà vui mừng. Mấy năm, xuyên qua mùa đại dịch, tất cả vẫn cùng nhau học, cùng nhau làm, cùng nhau vượt gian khó. Anh Ngô Trần Công Luận báo tin anh đã nhận trợ giúp thêm gia đình một em sinh viên mất cha trong mùa dịch.
Anh Minh Quân báo số lượng sinh viên y khoa nhận anh làm mentor đã tăng lên chín người, "mỗi lần họp mặt, nhà như có hội". Và không gì vui bằng khi được đọc những dòng tâm sự của các bạn sinh viên.
"Đã hơn ba năm em được vinh dự làm một thành viên của gia đình Vì ngày mai phát triển, lại được làm thành viên của Câu lạc bộ Mentor - Mentee, nơi có những chú, những anh chị luôn sẵn sàng giúp đỡ, lắng nghe, giải đáp.
Chị Nga là một mentor hết sức tâm lý, không chỉ hướng dẫn trong học tập, làm việc mà lắng nghe cả những câu chuyện đời sống, lại còn thoải mái chia sẻ những câu chuyện của mình.
Chị đã giúp em nhận ra: để thành công, ai cũng phải trải qua thử thách, không có ai gặp toàn khó khăn, cũng không ai hoàn toàn thuận lợi. Từ đó mà em tự tin hơn, vững vàng hơn...", Trần Ái Mi, sinh viên ĐH Kinh tế, tâm sự.
"Gia đình Vì ngày mai phát triển đã cho tôi được gặp một người thầy còn hơn cả thầy. Chú Quang là người thành đạt, nhưng chú lại dành thời gian để chia sẻ từ cách lập thời gian biểu để cân bằng việc học, việc làm, hỗ trợ tôi tìm tài liệu phục vụ đồ án, giúp các bạn khác tìm nơi thực tập phù hợp chuyên môn, năng lực, chỉ dạy chúng tôi cách vượt qua khó khăn, hướng đến những điều tích cực để giữ đúng hướng đi, mục đích, lý tưởng đời mình.
Chú còn trợ giúp về vật chất như phần thưởng khích lệ chúng tôi cố gắng. Có lúc gặp khó, tôi muốn buông lỏng mình thì nghĩ đến chú, tôi đã có động lực hơn để tiếp tục phấn đấu...", Đoàn Thị Kiều Nhiên, sinh viên ĐH Kiến Trúc, bộc bạch.
Đại gia đình Vì ngày mai phát triển, Tiếp sức đến trường đã có đến hàng vạn thành viên, và hạnh phúc nào bằng khi chương trình được nối dài như thế.
Những món quà vật chất lẫn tinh thần đã hỗ trợ, đồng hành với tôi suốt khóa học đại học là vô giá và sẽ là động lực lớn lao để tôi an tâm vẽ nên ước mơ cuộc đời mình, có thêm niềm tin bước tiếp hành trình còn rất dài phía trước", Thanh Tuyền, sinh viên ĐH Bách khoa, trải lòng...
Cam kết với những giá trị tinh thần lớn hơn một khoản tiền lúc khó ngặt, Tuổi Trẻ luôn nỗ lực trong tổ chức để các buổi lễ trao học bổng trở thành kỷ niệm đẹp, ấn tượng sâu đậm với các bạn học sinh, tân sinh viên.