Trong cuộc tấn công ngày 7-10 vào Israel, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã bắt đi hơn 200 người, theo tờ The Times of Israel.
Sáng 20-10, các quan chức Israel nói rằng “hầu hết” con tin đều còn sống. Tuy nhiên, đối với thân nhân các con tin bị Hamas bắt, mỗi ngày trôi qua họ phải sống trong nỗi lo lắng tột độ khi nỗ lực giải cứu chưa có nhiều tiến triển.
Cho đến nay mới chỉ có 4 người được Hamas thả tự do. Tối 20-10, Hamas thông báo thả tự do hai mẹ con người Mỹ là bà Judith Raanan (59 tuổi) và Natalie Raanan (17 tuổi).
Các quan chức Mỹ cho biết đại diện của Qatar đã giúp thuyết phục Hamas trả tự do cho hai công dân Mỹ nói trên. Phía Hamas cho biết họ thả 2 con tin trên vì lý do nhân đạo, theo The Times of Israel.
Ngày 23-10, Hamas thả thêm 2 con tin. Hai con tin được thả là bà Nurit Cooper (79 tuổi) và bà Yocheved Lifshitz (85 tuổi). Hai người đều là công dân Israel. Phía Hamas cũng nói rằng họ thả con tin là vì lý do nhân đạo.
Nhiều con tin gặp vấn đề về sức khỏe
Các quan chức Israel cho biết Hamas bắt ít nhất 20 trẻ em, bao gồm trẻ mới biết đi. Lực lượng này cũng đang giữ hơn chục người độ tuổi trên 60, nhiều người trong đó mắc bệnh Parkinson, các vấn đề về tim mạch, tiểu đường, ung thư. Ngoài ra, một số con tin bị thương nặng do trúng đạn và lựu đạn trong cuộc tấn công hôm 7-10.
Nhiều người lo ngại rằng nếu những con tin này không được điều trị đúng cách và không được thả sớm thì có thể gặp nguy hiểm về tính mạng.
Cô Rut Hodaya Perez (17 tuổi) là một trong số những con tin bị bắt. Chị của cô Rut nói rằng cô bé mắc chứng loạn dưỡng cơ, không thể đi lại và phải sử dụng xe lăn, theo tờ The New York Times.
“Con bé không thể sống ở một nơi như thế” - cô Yamit, chị gái của cô Rut, nói.
Bên cạnh đó, anh Hersh Goldberg-Polin (23 tuổi), người Israel gốc Mỹ, cũng bị Hamas bắt làm con tin trong đợt tấn công hôm 7-10. Anh Goldberg-Polin bị lựu đạn nổ trúng một cánh tay trong cuộc tấn công của Hamas. Trong một video được ghi lại, anh Goldberg-Polin bị các thành viên Hamas đưa lên xe tải. Khi ấy, cánh tay anh vẫn đang rỉ máu.
Anh Rotem Revivi - một người bạn thân của anh Goldberg-Polin - lo lắng rằng nếu cánh tay của anh Goldberg-Polin không được điều trị đúng cách, “có thể anh ấy không còn ở bên chúng tôi nữa”.
Người nhà như "ngồi trên đống lửa"
Đối với gia đình các con tin, họ đang phải sống trong sự hồi hộp và lo sợ suốt 2 tuần qua.
Tối 17-10, bệnh viện Baptist Al-Ahli tại Dải Gaza bị trúng không kích. Sau vụ việc, các quan chức Palestine cho rằng Israel là bên gây ra cuộc không kích. Tuy nhiên, phía Israel phủ nhận điều này và cáo buộc nhóm Hồi giáo Jihad (một nhóm vũ trang Hồi giáo ở Dải Gaza, không phải Hamas) gây ra vụ việc.
Việc bệnh viện Baptist Al-Ahli - một cơ sở dân sự - bị trúng không kích đồng nghĩa với việc vào lúc này, không nơi nào trên Dải Gaza là nơi trú ẩn an toàn. Điều này khiến thân nhân của các con tin thêm lo lắng.
Trong những ngày gần đây, Israel tiếp tục tăng cường lực lượng dọc khu vực giáp Dải Gaza nhằm chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ vào lãnh thổ này. Nhiều gia đình có những người bị bắt đang cầu nguyện phía Israel sẽ trì hoãn cuộc đổ bộ cho đến khi tất cả các con tin được cứu thoát.
Tuần trước, lực lượng Israel phát hiện nhiều thi thể của những người Israel dọc hàng rào giáp với Dải Gaza. Hiện vẫn chưa rõ những người này bị giết trong thời gian bị bắt làm con tin hay thiệt mạng do cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7-10.
Thông tin tìm thấy các thi thể càng làm người thân các con tin lo lắng. Phóng viên của The New York Times cho biết gia đình các con tin giờ đây đang lo lắng tột độ. Mỗi khi nhấc máy trả lời các cuộc điện thoại, nhiều người thân các con tin run lẩy bẩy vì không biết mình sắp nhận được thông tin gì.
Nỗ lực giải cứu con tin
Các chuyên gia về con tin nhận định đây là một trong những vụ bắt giữ con tin phức tạp nhất từ trước đến nay vì số lượng con tin lớn và đang bị giam trong vùng xung đột khốc liệt. Ngoài ra, các con tin là công dân của nhiều nước, có độ tuổi dao động từ dưới 1 đến 85 tuổi, bao gồm thường dân và binh lính Israel.
Thành viên gia đình các con tin và các tổ chức quốc tế đang kêu gọi Hamas trả tự do cho người già, trẻ nhỏ, người bệnh và người bị thương. Tuy nhiên, phía Hamas chưa có phản hồi về vấn đề này.
Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) là một trong những tổ chức có nhiều nỗ lực kêu gọi Hamas trả tự do cho các con tin. Các quan chức ICRC cho biết ngay sau khi hay tin Hamas bắt giữ các con tin, họ đã tiếp cận các lãnh đạo của lực lượng này ở thủ đô Doha (Qatar).
Ông Fabrizio Carboni - Giám đốc khu vực Trung và Cận Đông của ICRC - cho biết trong 10 ngày qua ICRC đã gặp mặt trực tiếp cũng như điện đàm với các lãnh đạo Hamas.
Tuy nhiên, ông Carboni thừa nhận “xét về mức độ bạo lực ở Gaza, tôi nhận thấy công việc của chúng tôi là cực kỳ phức tạp”.
Các quan chức ICRC cho biết đã đề nghị các lãnh đạo Hamas đưa ra bằng chứng như tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hoặc video để chứng minh các con tin còn sống. Cơ quan này cũng kêu gọi Hamas cấp thuốc và thả ngay các con tin có sức khỏe kém như trường hợp của cô Rut.
“Tất cả con tin, đặc biệt là những người mắc bệnh, nên được trả tự do. Việc cung cấp trợ giúp y tế cho các con tin ở Dải Gaza là điều rất khó” - ông Carboni nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn này, những giao tiếp đơn giản như gọi điện thoại cho những con tin bị bắt cũng rất khó khăn.
“Các nhóm mà chúng tôi liên hệ rất cẩn thận trong cách họ liên lạc với chúng tôi vì họ biết rằng thông qua công nghệ, họ có thể bị theo dõi” - ông Carboni nói.
Tuy nhiên, ông Carboni cũng lưu ý rằng trong quá trình giải cứu các con tin, không thể dồn tất cả sự phẫn nộ lên người dân sống ở Dải Gaza.
“Chúng ta không thể thêm bạo lực vào bạo lực. Chúng ta cần phải tìm cách dừng việc này lại” - ông nói.
Mỹ tăng nỗ lực giải cứu con tin bị Hamas bắt giữ
(PLO)- Mỹ đang nỗ lực hành động thông qua các kênh ngoại giao, và có thông tin Mỹ đề nghị Israel trì hoãn tấn công đổ bộ Dải Gaza, tạo điều kiện để đề nghị phía Hamas thả các con tin.