Ukraine đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp vũ khí của riêng mình, để giảm bớt sự phụ thuộc vào các đồng minh phương Tây trong cuộc xung đột với Nga.
"Tất cả kho đạn thế giới đều trống rỗng"
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal mới đây xác nhận với báo Financial Times: “Chúng tôi đang thiếu đạn dược trầm trọng. Chúng tôi hiểu rằng nên tự lực sản xuất ở Ukraine vì trên toàn thế giới đạn dược đã cạn kiệt. Tất cả các nhà kho đều trống rỗng”.
Ông nói Chính phủ Ukraine đang rút ra bài học về mức tăng trưởng kỳ diệu trong việc sản xuất máy bay không người lái trong nước. Theo đó, từ “vài chục chiếc năm ngoái” đã vọt lên “hàng chục nghìn chiếc” trong năm nay.
Kiev cũng đang chuyển ngân sách để tập trung vào “tổ hợp phòng thủ quân sự”, bao gồm phòng không và pháo binh.
Tuy nhiên, việc xây dựng ngành công nghiệp sản xuất vỏ đạn, đạn pháo và phòng không là một công việc phức tạp và nhiều tham vọng so với máy bay không người lái. Đây là thời điểm toàn thế giới đang thiếu hụt các linh kiện và nguyên liệu thô quan trọng.
Một quan chức Ukraine cho biết họ không thể nhanh chóng chuyển đổi hoạt động sản xuất vỏ đạn như cách họ đã làm đối với máy bay không người lái, đặc biệt là vì “tình trạng thiếu thuốc súng” trên toàn cầu.
Xóa bỏ độc quyền nhà nước trong sản xuất vũ khí
Qua 20 tháng xung đột với Nga, các quan chức Ukraine biết tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành công nghiệp của mình và đổi mới với tốc độ nhanh chóng.
Một thành công gần đây là việc Ukraine chuyển đổi tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder dư thừa của Mỹ thành tên lửa đất đối không để phục vụ chiến đấu. Loại vũ khí này rất cần thiết với Kiev, nhất là khi Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào các thị trấn xa chiến tuyến.
"Những tên lửa AIM-9 đó Mỹ đã ngừng sử dụng. Chúng tôi đã sửa chúng. Chúng tôi đã tìm ra cách phóng chúng từ mặt đất" - một quan chức cấp cao Ukraine nói.
Quan chức này thông tin thêm những quả đạn được tái sử dụng đó sẽ giúp Ukraine vượt qua mùa đông. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đây không phải là giải pháp lâu dài. Thay vào đó, nó chỉ là một trong những sáng kiến nhằm chuyển đổi vật liệu cũ bị quân đội Mỹ coi là phế liệu thành vũ khí thiết yếu.
Ưu tiên hiện nay của Ukraine là ký kết liên doanh với các công ty quốc phòng châu Âu và Mỹ. Mùa hè này, tập đoàn nhà nước Ukroboronprom của Ukraine đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức để sửa chữa các xe tăng Leopard và các loại xe bọc thép khác bên cạnh việc sản xuất những phương tiện mới.
Thủ tướng Shmyhal cho biết có khoảng 20 thỏa thuận được ký với các công ty và đối tác khác nhau để cùng hợp tác và sản xuất.
Một số doanh nhân hàng đầu Ukraine cho rằng chính phủ lẽ ra nên chuyển hướng nhanh hơn sang ưu tiên mua sắm vũ khí trong nước. Các bộ trưởng thừa nhận rằng tiến độ phản công chậm chạp và bầu không khí chính trị bất ổn của Mỹ đã khiến chiến lược thay đổi của Ukraine trở nên cần thiết.
Ông Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng phụ trách đổi mới và chuyển đổi số của Ukraine, tuyên bố nhà nước phải “trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm”, xóa bỏ sự độc quyền sản xuất vũ khí và tạo ra “những điều kiện tốt nhất thế giới cho các doanh nhân tham gia vào ngành công nghiệp vũ khí này”.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine không chỉ được viện trợ vũ khí, mà còn đang tăng cường sản xuất vũ khí trong nước và hợp tác sản xuất với các đối tác trong NATO.