"Nếu Việt Nam có yêu cầu Mỹ hỗ trợ phát triển dự án đất hiếm, chúng tôi sẵn sàng cung cấp sự giúp đỡ đó", bà Emily Blanchard khẳng định trong cuộc gặp báo chí tại Hà Nội chiều 25-10.
Việt Nam là điểm đến cuối của nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong chuyến công tác năm nước.
Bà Blanchard chia sẻ trọng tâm của bà trong chuyến đi đến Việt Nam lần này là thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước vào tháng 9 vừa qua.
Trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng năng lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, phát triển lực lượng lao động và khử carbon nền kinh tế.
Ngoài ra, Mỹ cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng một môi trường thuận lợi hơn nữa cho kinh doanh, đặc biệt thương mại số.
Với chất bán dẫn, nhà kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đây cũng là một trong những chủ đề trao đổi của bà trong một ngày rưỡi qua ở Việt Nam.
Theo bà, thế giới sẽ cần nhiều khoáng sản quan trọng hơn, phần nhiều trong số này là để khử carbon nền kinh tế và đất hiếm là thành tố quan trọng hàng đầu. Nhu cầu với đất hiếm ngày càng tăng sẽ dẫn tới nhu cầu đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, đa dạng hóa các nguồn cung.
Trong bối cảnh đó, Mỹ xem Việt Nam là một đối tác quan trọng để "đảm bảo an ninh khoáng sản".
Với tinh thần đó, bà Blanchard khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam tính toán trữ lượng đất hiếm và đấu giá việc khai thác. Tuy nhiên, quyết định vẫn sẽ ở phía Chính phủ Việt Nam.
"Chúng tôi có kinh nghiệm khai thác và hỗ trợ kỹ thuật việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản", nhà kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định. Bà cũng cho biết Mỹ có thể hỗ trợ kỹ thuật Việt Nam "để tạo ra nhiều sự quan tâm nhất" khi đấu giá phát triển đất hiếm.
Trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Mỹ đánh giá Việt Nam có tiềm năng to lớn trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.
Nhắc lại điều này, bà Blanchard cho biết hai nước đã ký bản ghi nhớ về việc tìm hiểu và tính toán trữ lượng đất hiếm tại Việt Nam. "Tôi rất mong chờ kết quả của nỗ lực khoa học đó", bà bày tỏ.
Theo lộ trình phát triển ngành công nghiệp đất hiếm đã được quy hoạch, đến năm 2030 Việt Nam dự tính khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.