Có người tự đùa mình "tự tăng ca" dù là làm osin lau nhà vào buổi tối, phụ quán ăn, kể cả bán vé số hay nhặt ve chai.
Hơn 23h, vợ chồng bà N.T.Hiền (52 tuổi, quê Hà Tĩnh) vừa rời khỏi việc làm chính ở nhà hàng M. trên đường Trần Văn Giàu, quận Bình Tân, TP.HCM. Lúc này người chồng đã giữ xe xong, người vợ cũng kết thúc ca 2 kíp phụ bếp. Họ cùng ra đường để bắt đầu vào "ca 3" với việc lượm ve chai lúc nửa đêm.
Lượm ve chai lúc nửa đêm
Thành phố nửa đêm mưa trở hạt nặng, đôi vợ chồng vẫn nhanh thoăn thoắt đi rảo, ghé vào các thùng rác hộ dân để bên đường. Người chồng cầm bao to chờ người vợ bới móc, nhặt nhạnh những gì có thể bán được để bỏ vào. Những vỏ lon bia, lon nước ngọt là thứ họ trông đợi nhất, sau đó là các đồ nhựa phế thải, giấy cũ... Họ chỉ trông đợi sự may mắn chủ nhà nào đó mới vứt ra, chứ nếu đã bỏ lâu thì chắc không đến phần họ vì có người khác đến lấy.
Bà Hiền tâm sự nhà hàng mình làm không được đông khách, giờ nào vắng, nhân viên không làm việc thì bị trừ lương để chia sẻ với chủ đang gặp khó khăn. Vợ chồng từ quê vào TP.HCM cùng làm việc một chỗ cho tiện, nên thu nhập một người bị giảm thì người kia chắc chắc cũng giảm theo. Họ lại đang phải lo tiền nuôi một người con đang học đại học ở Hà Nội.
"Vợ chồng tôi cùng làm được trọn giờ, được lãnh đủ lương thì chỉ khoảng 15 triệu, trong khi phải thuê phòng ở cùng điện nước hết gần 3 triệu, rồi cho con 6 triệu để đi học ở Hà Nội rất đắt đỏ. Số tiền còn lại cứ thiếu trước hụt sau nên phải tự tìm việc "ca 3" thôi. Đêm nào gặp may thì kiếm thêm được 60.000 - 70.000 đồng, còn bình thường cố lắm cũng chỉ 30.000 - 40.000 đồng. Ve chai giờ ít lắm, vì người ta lũ lượt đi nhặt mà, nhiều lúc như phải tranh nhau" - bà Hiền tâm sự thêm dù việc "ca 3" kiếm được ít tiền nhưng họ vẫn làm, còn hơn chẳng có đồng nào.
Chồng chạy xe chở hàng, vợ làm thêm osin
Cũng đi làm ngày rồi tự xoay xở tìm thêm việc để tăng ca đêm như vợ chồng bà Hiền nhưng ông Trần Văn Lữ (ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3) may mắn là đã trọ lâu năm ở TP.HCM nên có thể tìm việc chạy xe máy giao hàng phù hợp.
Người đàn ông quê gốc huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã tuổi 55 này kể vợ chồng và ba con đến TP.HCM thuê nhà trọ. Ông đi làm bảo vệ công ty ca ngày, vợ làm lao công, ba người con họ thì hai cháu còn đi học, chỉ một cháu đi làm nên lương còn thấp.
Ca đêm ông Lữ bắt đầu lúc 22h. Ông chạy xe máy đi chở đồ nguyên liệu giao mối cho hai quán phở và một quán hủ tiếu chuẩn bị nấu bán cho buổi sáng hôm sau. Ông được trả công 110.000 đồng, trừ tiền xăng còn khoảng 90.000 đồng. Còn bà Thủy vợ ông làm lao công cho Công ty P.K. ở Nam Sài Gòn. Buổi sáng, ông Lữ chở vợ đến chỗ làm rồi quay về làm bảo vệ cho công ty mình.
Ông Lữ kể: "Công ty gặp khó khăn, giảm lương nhưng chưa sa thải người là may rồi. Vợ chồng tôi phải tự tính làm thêm để có thêm thu nhập, không thể ngồi đợi ngày công ty khá hơn được". Đêm ông Lữ chạy giao hàng được 90.000 đồng. Người vợ sức khỏe yếu nhưng bà cũng ráng nhận thêm ba buổi tối lau dọn nhà mỗi tuần để được thêm 100.000 đồng cho mỗi buổi làm 2 giờ. Riêng người con trai đầu vì mới đi làm phải về trễ nên chưa thể làm thêm việc gì.
"Vợ chồng cùng đi làm thêm thì có thêm chút thu nhập nhưng vẫn phải dè sẻn lắm. Tiền mình kiếm tăng được chút, nhưng giá cả mọi thứ cũng tăng chứ đâu đứng im" - bà Thủy kể thêm ngoài miếng cơm manh áo gia đình, chi phí nặng nhất hiện nay của họ là hai con đang học bán trú ở TP.HCM với tổng chi phí này nọ khoảng 7 triệu đồng. Số tiền này hết hẳn một suất thu nhập của bà. "Đó là vợ chồng tôi chỉ dám cho con học thêm mỗi môn tiếng Anh. Mình phải cơn khó quá nhưng cũng ráng cho con đi học, không thì thua sút bạn bè ở thành phố thì tội".
Chạy chợ, phụ quán ăn
So với chồng bà Hiền, ông Lữ, nhiều công nhân trẻ hiện nay đỡ nặng gánh hơn vì chưa có gia đình nhưng nhiều người vẫn tìm việc làm thêm sau giờ tan ca. Một số người thạo công nghệ mạng thì buôn bán online. Nhiều người đi phụ quán buổi tối, bán vé số, kể cả kiếm tí hàng rau quả chạy chợ để có thêm đồng ra đồng vô.
Chợ tối gần Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) có rất nhiều người ban ngày là công nhân, buổi tối tranh thủ ra trải bạt bán quần áo, giày dép, đồ trang sức rẻ tiền hoặc chỉ là phụ bán để được trả vài chục ngàn đồng.
Chị Hoàng Thị Thế, quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, đẩy xe bán ổi và lựu. "Các thứ trái cây này khá bền anh ạ. Có ế thì để mai mốt bán tiếp cũng được", cô công nhân tuổi 25 chưa gia đình tâm sự.
Cô kể công ty mình ở Khu công nghiệp Tân Tạo vẫn giữ được công nhân, vẫn trả đúng lương dù đã cắt thưởng. Cô sống rất dè sẻn, bốn người đồng hương ở chung một phòng trọ và nấu bữa tối chung nên vẫn tạm đủ sống với đồng lương. "Tôi ra buôn bán là kiếm thêm tí tiền biếu bố mẹ ở quê và cũng muốn tập tành làm ăn thêm, chẳng lẽ đời mình cứ làm công nhân mãi?", cô gái trẻ cười tâm sự.
Một chiều đầu tháng 8, không khí tại hẻm 58 đường số 5 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) - nơi vốn được xem là "thủ phủ nhà trọ" tại TP.HCM - vắng lặng lạ thường.