Ngoài việc cử đặc phái viên đến Trung Đông, Trung Quốc còn triển khai sáu tàu chiến bao gồm một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến khu vực này trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì xung đột ở Dải Gaza có thể lan rộng sang các nước khác như Jordan, Syria hay Iran.
Hai mục tiêu của Trung Quốc
Xung đột Israel - Hamas không chỉ được nhìn nhận là cuộc đối chọi giữa hai lực lượng Israel và Hamas hay rộng hơn là giữa người Do Thái và người Ả Rập, giữa người Do Thái và người Ba Tư, mà còn là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Trung Đông.
Người Mỹ từ lâu đã duy trì ảnh hưởng chiến lược của họ ở khu vực này, nhưng các "dấu chân kinh tế" ngày càng rõ nét của Trung Quốc ở đây khiến họ không thể "chậm chân" so với Mỹ.
Quyết định của Trung Quốc làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas là đáng chú ý, vì đây là cơ hội để họ chứng tỏ ai mới thật sự có tiếng nói ở khu vực này. Đây cũng là cách Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy hai mục tiêu ngoại giao quan trọng của mình: củng cố vị thế là người đại diện của các nước đang phát triển và định vị mình là một siêu cường để cạnh tranh với Mỹ ở Trung Đông.
So với cuộc chiến tại Ukraine, cuộc chiến ở Dải Gaza đã chứng kiến việc Trung Quốc tham gia hòa giải nhanh hơn nhiều. Phải hơn một năm sau khi xảy ra cuộc chiến Nga - Ukraine, Trung Quốc mới cử đặc phái viên Lý Huy làm trung gian hòa giải.
Trong khi đó, ông Trác Tuyển, đặc phái viên của Trung Quốc, đã tới Trung Đông chỉ vài ngày sau vụ tấn công của Hamas và đưa ra lời hứa sẽ "tiến hành hòa giải một cách khách quan".
Khi nhìn về nội dung thông điệp, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch ngoại giao kép, tự định vị mình là "bạn của cả Israel và Palestine". Thông điệp ngoại giao của Trung Quốc là vừa thông cảm cho hành động tự vệ của Israel vừa cảm thông với tình hình khó khăn của người dân Dải Gaza.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gọi điện cho người đồng cấp Israel Eli Cohen và nói: "Mọi quốc gia đều có quyền tự vệ nhưng phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ dân thường", và "điều bắt buộc là phải ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa, có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo tồi tệ hơn".
Còn trong một cuộc gọi riêng với Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki, ông Vương chia sẻ Trung Quốc "thông cảm sâu sắc với tình hình khó khăn của Palestine, đặc biệt với người dân Gaza". Ông cũng nói thêm nước ông sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho người dân Gaza.
Hành động nhanh chóng của Trung Quốc cũng dễ hiểu khi cho đến nay nước này là khách hàng đơn lẻ lớn nhất của các nước xuất khẩu năng lượng ở Trung Đông, trong khi Mỹ đã giảm nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ trong nỗ lực chuyển sang độc lập về năng lượng. Lợi ích kinh tế đậm nét của Trung Quốc khiến nước này có lý do cần phải can dự vào xung đột ở Trung Đông và tránh để nó ảnh hưởng đến lợi ích của mình.
Kỳ vọng ở Trung Quốc
Nếu nhìn nhận một cách công bằng thì không phải Trung Quốc không thành công trong vai trò hòa giải ở Trung Đông. Tháng 3 năm nay, họ đã giúp được hai quốc gia đối nghịch là Saudi Arabia theo Hồi giáo Sunni và Iran theo Hồi giáo dòng Shia bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Hai nước cắt đứt quan hệ vào năm 2016 sau khi Saudi Arabia hành quyết một học giả Shia nổi tiếng. Vốn từng là đối thủ lịch sử do cách giải thích khác nhau về kinh Qur'an, hai quốc gia vùng Vịnh này cạnh tranh phạm vi ảnh hưởng trong các xung đột ở Syria, Libăng, Yemen và các nơi khác.
Với lợi thế về tầm ảnh hưởng kinh tế, chính trị cộng thêm hình ảnh thân thiện với cả Iran và Saudi Arabia, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong vai trò kiến tạo hòa bình khu vực, giúp các đối thủ lâu năm là Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ.
Cuộc chiến Israel - Hamas cũng là cơ hội để Trung Quốc nhanh chóng thể hiện sức mạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự của mình lên bàn cờ chính trị quốc tế. Bắc Kinh có thể "tự tin" bàn thảo với Washington về quan điểm của họ đối với hòa bình ở khu vực Trung Đông.
Do đó cuộc khủng hoảng ở Gaza sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi ông Vương Nghị dự kiến có chuyến thăm Washington từ ngày 26 đến 28-10 và gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan.
Sứ mệnh không đơn giản
Tuy nhiên, thành công bước đầu với thỏa thuận ngoại giao Iran - Saudi Arabia không có nghĩa Trung Quốc sẽ thành công với Israel - Hamas hay Israel - Palestine. Khu vực Trung Đông cần đợi một kế hoạch hòa bình cụ thể từ Trung Quốc ngoài những diễn ngôn chính trị và biểu dương lực lượng tàu chiến.
Đề xuất gần đây của Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine không đi đến đâu khiến vai trò trung gian của Trung Quốc ở cuộc chiến Israel - Hamas cũng bị đặt dấu hỏi.
Liệu Trung Quốc có đủ sức ảnh hưởng lên Israel hay Hamas như họ đã từng thành công với Iran và Saudi Arabia? Có lẽ là không.
Ngoại trưởng Vương Nghị lần lượt điện đàm với ngoại trưởng Israel và Palestine, thể hiện lập trường ủng hộ hòa bình tại Trung Đông.