Tờ Hurun của Trung Quốc mới đây công bố danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Số người có tài sản trên 690 triệu USD (gần 17.000 tỷ đồng) ở nước này đã giảm 15% so với đỉnh năm 2021.
Danh sách năm nay có 1.241 người với tổng tài sản giảm 4% so với năm ngoái xuống còn 3.200 tỷ USD. Trong đó, 898 cá nhân bị giảm tài sản hoặc đi ngang.
Hurun cho biết điều này phản ánh nền kinh tế chịu tác động từ khủng hoảng bất động sản và cạnh tranh tăng cao trong ngành thương mại điện tử.
"Số lượng tỷ phú USD của Trung Quốc đã giảm 51 người trong 1 năm và 290 người trong 2 năm. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới với 895 tỷ phú, cao hơn Mỹ khoảng 200 người và gần gấp 3 lần Ấn Độ", Rupert Hoogewerf, Chủ tịch Hurun, chia sẻ với Nikkei Asia.
Trong 179 cá nhân rời danh sách người giàu Trung Quốc năm nay có 15% thuộc lĩnh vực bất động sản. Ngành này đã rơi vào khủng hoảng 2 năm qua và chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục.
Đáng chú ý, Zhong Shanshan, ông chủ đế chế nước đóng chai Nongfu, đứng đầu danh sách giàu có tại Trung Quốc trong 3 năm liền, với khối tài sản 62 tỷ USD. Tiếp đó là ông Pony Ma của Tencent với tài sản 38,6 tỷ USD.
Chịu tác động mạnh nhất trong năm qua là các tỷ phú bất động sản. Wang Jianlin, nhà sáng lập tập đoàn bất động sản Dalian Wanda, chứng kiến tài sản "bốc hơi" 7,3 tỷ USD. Ông tụt 57 bậc, xuống thứ hạng 89 với 6,4 tỷ USD. Wang từng giàu nhất Trung Quốc.
Tỷ phú Richard Liu - nhà sáng lập công ty thương mại điện tử JD.com - cũng ghi nhận tài sản giảm 6,2 tỷ USD, về 8,26 tỷ USD. Cổ phiếu hãng này xuống thấp kỷ lục hồi đầu tháng, sau khi bị các ngân hàng hạ dự báo giá mục tiêu vì tiêu dùng phục hồi yếu hơn dự kiến.
Trong khi đó, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma lùi lại vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm định giá của công ty tài chính Ant Group. Số cổ đông Alibaba trong danh sách cũng chỉ còn 12, thay vì 18 như năm ngoái.
Người có tài sản tăng mạnh nhất năm nay là Colin Huang, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử giá rẻ Pinduoduo. Ông có thêm 13,8 tỷ USD trong năm qua, hiện là người giàu thứ 3 Trung Quốc với 37,2 tỷ USD.
Sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc vài năm gần đây đã sản sinh ra nhiều cá nhân giàu có trong lĩnh vực y tế và công nghệ tiên tiến, thay thế cho các cá nhân trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất truyền thống.
"So với 10 năm trước, 80% cá nhân trong danh sách mới nhất của Hurun đều là gương mặt mới, cho thấy sự chuyển dịch to lớn của Trung Quốc", Chủ tịch Hurun nhấn mạnh với Nikkei Asia.
Samuel Chen, người vừa lọt top 100 giàu có tại Trung Quốc nhờ niêm yết công ty dược phẩm Polaris và có cổ phần trong công ty nền tảng chia sẻ video Zoom.