Thời gian gần đây, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, để lại nhiều hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội.
Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, được coi là những "chiến tích" để khoe khoang, thách thức pháp luật. Ngoài ra, các đối tượng còn thông qua mạng xã hội thành lập các hội, nhóm để lôi kéo nhau tham gia thực hiện các hành vi phạm pháp. Đáng buồn, độ tuổi vi phạm pháp luật của các đối tượng này ngày càng trẻ, thậm chí nhiều em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Rõ ràng, đây là thách thức lớn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục từ phía gia đình, nhà trường cũng như với các cơ quan chức năng.
Chia sẻ với Đại biểu nhân dân, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Minh Trang - Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên cho rằng: Dưới góc độ tâm sinh lý, các em đang trong độ tuổi dậy thì và cảm thấy mình đã lớn vì vậy muốn có những hành vi, việc làm để chứng minh vấn đề đó, nhất là khi các em đang sống trong môi trường giữa thế giới ảo và thế giới thật. Nhiều khi chính bản thân các em bị chi phối bởi thế giới ảo nhiều hơn, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… game bạo lực dẫn đến có những hành vi mà không lường trước hậu quả.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) nhìn nhận: “Thời gian qua, có nhiều vụ án do các đối tượng chưa thành niên gây ra với hành vi rất manh động, nguy hiểm và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Đáng nói, có nhiều trường hợp thanh thiếu niên không nhận thức được việc làm của mình là vi phạm và có thể bị pháp luật xử lý”.
Xem thêm: lmth.528236a-ad-ib-nauq-iat-gnov-ut-cahk-iougn-mad-iout-41-nein-ueiht-tab/nv.nitaudiougn.www