Cục Hàng không đang lấy ý kiến dự thảo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sân bay Phù Cát (Bình Định) giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, sân bay Phù Cát (thuộc địa bàn xã Cát Tân, huyện Phù Cát), được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 - 1970. Từ năm 2000 đến nay, sân bay này được đầu tư xây dựng mới một số công trình như đường lăn, sân đỗ, nhà ga… Hiện sân bay có thể đón 1,5 triệu hành khách mỗi năm, với một đường băng.
Theo quy hoạch hệ thống hàng không toàn quốc vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 sân bay Phù Cát là cảng quốc nội cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO), với công suất đạt 5 triệu hành khách mỗi năm. Đến năm 2050, sân bay này được đầu tư nâng cấp lên đạt công suất 7 triệu hành khách mỗi năm.
Để đầu tư sân bay theo quy hoạch, tư vấn đề xuất đến năm 2030 phát triển sân bay Phù Cát về phía Nam. Theo đó, giữ nguyên nhà ga T1 hiện nay, nhà ga T2 hiện hữu chuyển đổi thành nhà ga hàng hóa; di chuyển công trình quân sự trên khu đất phía Nam để xây dựng nhà ga hành khách T3 rộng 76.69 ha, với công suất 3,5 triệu hành khách mỗi năm.
Đến năm 2050, mở rộng nhà ga hành khách T3 đạt công suất thiết kế 7 triệu hành khách mỗi năm. Tiếp tục khai thác, sử dụng nhà ga T1, T2 hiện hữu theo nhu cầu. Đồng thời, đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ, khu chức năng, hệ thống giao thông đáp ứng yêu cầu khai thác.
Theo tư vấn, phương án này có ưu điểm là đảm bảo công suất theo quy hoạch được duyệt, có thể mở rộng để phát triển. Việc điều chỉnh, sắp xếp lại một số công trình quân sự trên sân bay sẽ tạo tiền đề, từng bước đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cấp sân bay Phù Cát là sân bay chính trong hệ thống phòng thủ quốc phòng.
Tuy nhiên, phương án cũng có hạn chế là ảnh hưởng đến hiện trạng và quy hoạch các công trình quốc phòng tại sân bay. Chi phí đầu tư xây dựng lớn. Phát sinh thêm khối lượng di dời, xây dựng hoàn trả các công trình quân sự hiện có trên đất quốc phòng dự kiến thu hồi; không sử dụng được hạ tầng có sẵn của khu quân sự do không phù hợp với khai thác hàng không dân dụng.
Thêm vào đó, thủ tục, thời gian thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng kéo dài. Chưa thể triển khai đầu tư các công trình hàng không dân dụng trên đất quân sự chuyển đổi do phải bảo đảm hoạt động bình thường của khu quân sự.
Dù vậy, tư vấn vẫn đề xuất Cục Hàng không lựa chọn phương án này, vì tối ưu nhất trong các phương án đã phân tích.
Tổng chi phí để đầu tư theo phương án trên được tư vấn tính toán mất khoảng 13.993 tỉ đồng, trong đó giai đoạn từ 2021 - 2030 cần khoảng 7.685 tỉ đồng, giai đoạn sau 2030 – 2050 cần 6.308 tỉ đồng.
Liên quan đến phương án 1, Cục Hàng không cũng vừa giao đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát, tính toán lại chi phí đền bù, di dời, hoàn trả giải phóng mặt bằng các công trình trên đất quốc phòng theo quy định của pháp luật; từ đó tính lại tổng mức đầu tư của phương án.