Chiều 26-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đưa ra hai phương án: cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê, vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Phương án hai là chưa quy định cho cơ quan này làm chủ đầu tư dự án trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với phương án 1.
Cần làm mô hình mẫu để triển khai
Không đồng tình các ý kiến tán thành, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động, nhưng cũng là chủ đầu tư dự án nhà ở.
Vậy trong trường hợp nhà ở có vấn đề, ai sẽ là người đại diện cho người lao động? Vì vậy, ông Cường đề nghị Tổng Liên đoàn lao động chỉ làm dự án nhà ở xã hội mẫu trong việc triển khai các dự án.
Cũng dùng quyền tranh luận, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng Tổng liên đoàn Lao động đầu tư nhà ở xã hội là vấn đề mới. Trong khi đó, Chính phủ chưa đánh giá kỹ việc thực hiện các quy định. Vì thế, cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm mới triển khai thực hiện.
Ông Tám cũng lo ngại việc giao cho Tổng liên đoàn sẽ không tách biệt giữa chức năng của cơ quan Nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy đại biểu đề nghị cần nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, tổng kết thực tiễn để luật hóa những nội dung đã chín, đã rõ.
Không đồng tình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cũng dùng quyền tranh luận và cho rằng việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng nhà ở xã hội là đáp ứng đều cả ba căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Theo đó, cơ quan công đoàn được giao nhiệm vụ huy động, bố trí nguồn lực tài chính để chăm lo bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở. Tổ chức công đoàn cũng đã thực hiện vấn đề này, đứng trước sức ép lớn để thực hiện các yêu cầu khắt khe về lao động trong hợp tác quốc tế...
Nên lấy phiếu biểu quyết hai phương án
Với các ý kiến còn băn khoăn, đại biểu Nghĩa cho hay công đoàn sẽ thành lập pháp nhân phi lợi nhuận. Hoạt động chỉ giới hạn là cho thuê và không phát sinh lợi nhuận, không nằm trong khái niệm kinh doanh nên không mâu thuẫn quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì đánh giá cả hai phương án trên đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Vì vậy ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy phiếu về hai phương án trên cơ sở lựa chọn ý kiến đa số.
Dù phương án 1 - giao cho Tổng liên đoàn là hợp lý song ông Hòa băn khoăn nguồn vốn mà cơ quan này có được chỉ trên 30.000 tỉ đồng, sẽ không đủ xây dựng nhà ở cho công nhân, nên cần phải sử dụng ngân sách nhà nước.
“Quy định lại không cho phép sử dụng vốn ngân sách, chỉ sử dụng vốn hiện có. Với nhu cầu sử dụng nhà ở của công nhân hiện nay như vậy thì cần bỏ ngân sách, giao cho doanh nghiệp và UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư để mở rộng hơn” - ông Hòa nói.
Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - nêu rõ tinh thần chung là ủng hộ Tổng liên đoàn chăm lo quyền lợi của người lao động, đặc biệt là về nhà ở. Do đó, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hơn dự thảo luật.
Muốn mua nhà ở xã hội phải nộp thêm bản sao công chứng sổ đỏ của ngôi nhà... đang thuê trọ, phải thu thập căn cước công dân của tất cả các thành viên trong gia đình, xác nhận điều kiện thu nhập, thực trạng nhà ở.